Những Khái Niệm Căn Bản Về Ơn Gọi


LM. JBM. Phương Anh, CSJB
Ơn Gọi là gì?

Ðể trả lời cho vấn đề, trước hết, chúng ta cần nói qua khái niệm về hai chữ “Ơn gọi”.

Ơn gọi là một tiếng gọi yêu thương của Chúa cho con người từ muôn thuở. Có một bài thánh ca chúng ta thường hát: “Từ muôn đời Chúa đã yêu con, và còn yêu con mãi mãi…” Ðã gọi là tiếng gọi từ muôn thuở, chúng ta không có thể nói rằng, Chúa gọi tôi cách đây mấy năm, hay Chúa vừa gọi tôi, hay tôi chờ xem Chúa có gọi tôi hay không…, nhưng phải nói rằng, Nếu Ngài gọi, Ngài đã gọi tôi từ lâu rồi, từ khi tôi chưa được sinh ra, từ khi chưa có loài người sống trên mặt đất, từ khi chưa có sao trời, rừng sâu và biển cả… Tiếng gọi của Ngài dành cho tôi đã phát xuất từ chính Ngài, vang vọng vào không gian, vào vũ trụ vô hình bằng những làn sóng mắt thường không trông thấy, và Ngài mong một ngày nào đó tôi nghe được tiếng gọi đó.

ƠN GỌI THỨ NHẤT: LÀM CON THIÊN CHÚA

Thời điểm ơn gọi thứ nhất đến với mỗi người chúng ta có thể mỗi khác: người được rửa tội từ khi mới sinh, người lúc lên mười, hai mươi, có người mãi đến lúc về chiều mới lần đầu tiên gặp được Chúa… Nhưng chung quy, tất cả chúng ta, những người Kitô hữu đều có ơn gọi này ơn gọi làm con Thiên Chúa. Ðây là một ơn Chúa ban cho chúng ta cách nhưng không, là một món quà vô giá mà không phải ai cũng có – Chúa ban cho ai, người ấy được. Người ta có thể tốn cả triệu đôla mà chưa chắc đã mua được món quà này. Ðây chính là ơn gọi thứ nhất trong cuộc đời của một con người, chúng ta gọi là ơn gọi căn bản và phổ quát, căn bản vì là ơn gọi đầu tiên, phổ quát vì chung cho mọi người Kitô hữu.

Qua phép Rửa, Thiên Chúa thông ban ơn cứu độ cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô. Việc gia đình ông Noê được cứu thoát khỏi nước lụt đại hồng thủy được kể lại trong Cựu Ước là hình ảnh tiên báo cho Bí Tích Rửa Tội sau này trong thời Tân Ước. Trong Phép Thanh Tẩy, Thiên Chúa giơ tay Ngài ra để cứu thoát chúng ta khỏi những trận lụt của khốn khổ, khỏi sự nhận chìm trong những vũng bùn sâu của tội lỗi. Hơn nữa, sau khi Chúa cứu thoát ông Noê khỏi bị lụt, Ngài đã tạo nên chiếc cầu vồng như dấu chỉ của Tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Cầu vồng là một dấu hiệu cho biết rằng, lụt lội và nguy hiểm đã qua rồi. PHÉP RỬA TỘI là CHIẾC CẦU VỒNG CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU. Ngay cả sau khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta sẽ vẫn còn thấy những đám mây ác thần vây phủ chúng ta; chúng ta sẽ vẫn còn thấy những tiếng sấm gầm vọng từ xa của thù địch chỉ muốn tiêu diệt chúng ta. Nhưng Bí tích Rửa tội luôn làm cho chúng ta ý thức rằng, chúng ta không phải sợ hãi những thứ sấm sét bão tố đó đang đe dọa cuộc sống chúng ta. Bí tích Rửa tội vẫn luôn luôn là dấu chỉ của lòng thương xót và Tình yêu Thiên Chúa, qua đó, Ngài không cho phép nước lụt của thù địch và của sự dữ tiêu diệt chúng ta.

Trong Ðêm Phục sinh, chúng ta được mời gọi để lập lại lời hứa Rửa tội. Vấn đề của chúng ta là, chúng ta có ý thức những gì chúng ta tuyên xưng trong lời hứa đó không? Chúng ta cần nhớ lại chúng ta đã hứa những gì qua cha mẹ đỡ đầu, hoặc do chính chúng ta hứa nếu chúng ta chịu phép rửa tội khi đã khôn lớn? Thánh Phêrô cho rằng, điểm cốt yếu trong lời hứa Rửa tội đó là “một lương tâm thiện hảo” (I Pr 3:21). Bí tích Rửa tội là một khế ước, một thỏa thuận giữa chúng ta và Thiên Chúa: Thiên Chúa hứa ban cho chúng ta Tình yêu và lòng thương xót của Ngài, và chúng ta hứa sẽ sống trung thành với Ngài. Ngài trở thành Chúa chúng ta và chúng ta trở thành dân của Ngài.

Việc lập lại lời hứa rửa tội phải được tiếp nối cách sống động trong đời sống hằng ngày của chúng ta, nghĩa là chúng ta phải luôn nghiêm chỉnh ý thức sống ơn gọi thứ nhất này. Sau ơn gọi thứ nhất này, chúng ta có bổn phận đi tìm thánh ý Chúa cho ơn gọi thứ hai của mình, ơn gọi có “ơn làm con Thiên Chúa” làm nền tảng.

ƠN GỌI THỨ HAI: ƠN GỌI TU TRÌ HOẶC ƠN GỌI HÔN NHÂN

Trong ơn gọi thứ nhất, chúng ta trở thành người con Thiên Chúa và người môn đệ của Chúa Giêsu. Với tư cách là môn đệ, chúng ta mãi mãi được mời gọi bước theo Thầy Chí Thánh của mình. Những lời mời gọi của Chúa Giêsu luôn theo đuổi cuộc đời chúng ta: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta”.

Vì thế, dù chúng ta chịu phép rửa tội vào lứa tuổi nào chăng nữa, đức tin vẫn luôn đòi hỏi chúng ta phải mãi mãi trung thành với lời chúng ta hứa khi chịu phép rửa tội: “Từ bỏ tội lỗi, từ bỏ những quyến rũ bất chính, từ bỏ ma quỷ; Tin Thiên Chúa là Cha, là Ðấng tạo thành trời đất, tin Ðức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang ngự bên hữu Chúa Cha, tin kính Ðức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công giáo, tin các thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác sống lại và sự sống đời đời…”

Sau khi nhận bí tích đầu tiên đó, chúng ta tiếp tục lãnh nhận các bí tích khác để giúp chúng ta kiên trì và thăng tiến trong đời sống ơn gọi căn bản của mình. Ðặc biệt, sau ơn gọi thứ nhất đó, Chúa còn mời gọi chúng ta bước theo Ngài trong ơn gọi thứ hai trên hành trình đức tin: Hoặc là ơn gọi đời sống hôn nhân, hoặc là ơn gọi sống đời sống tu trì.

Không sớm thì muộn, ai trong chúng ta cũng đều phải chọn lựa một trong hai ơn gọi đó: Ði tu hay lập gia đình?

“ÐÀN ÔNG Ở MỘT MÌNH KHÔNG TỐT”:

gia dinhÐây là câu nói trong sách Sáng thế ký, cuốn đầu tiên của Cựu Ước, đoạn 2 câu 18 (Tiếng Anh: “It is not right that the man should be alone”).

Câu Lời Chúa này gợi cho chúng ta hai vấn đề:

1) Từ khởi nguyên, Chúa tỏ ý rằng, Ngài muốn con người sống có đôi. Nhiều người dùng câu nói Kinh Thánh này để biện luận khi họ không muốn đi tu – “Ðàn ông ở một mình không tốt” như vậy phải lấy vợ… – Cũng có lý, nhưng cần phải hiểu rằng, Chúa, nhất là trong Tân Ước, đồng thời cũng mời gọi chúng ta bước một bước xa hơn nữa trên con đường hẹp của Tin Mừng, để sống hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa bằng một tình yêu không chia sẻ. “Ðức Giêsu kêu gọi một số người đi theo Ngài cách gần gũi hơn để Giáo Hội trở thành một dấu hiệu hùng hồn của ơn vinh thắng” (Trích từ Sứ Ðiệp được truyền đi từ Thượng Hội Ðồng Giám Mục, tháng 10/94 tại Roma).

2) Ðàn bà ở một mình có tốt không? Có người nói: Ðàn ông ở một mình không tốt, đàn bà ở một mình thì tốt. Không biết chắc chắn ý Chúa thế nào đối với người phụ nữ, nhưng tôi thiển nghĩ, Nếu “đàn ông ở một mình không tốt”, thì đàn bà ở một mình càng không tốt hơn!… – Dường như con rắn đã khôn ngoan tìm lúc không có người nào bên cạnh người phụ nữ để cám dỗ…

Tắt một lời, dù đồng ý rằng sống độc thân ở giữa đời cũng là một ơn gọi, nhưng cách chung, dựa theo Lời Chúa, tôi không “recommend” các bạn trẻ, nam cũng như nữ, sống độc thân giữa đời.

Như vậy, chúng ta tạm để qua một bên cái “choice” thứ ba này.

HAI ƠN GỌI, HAI BẬC SỐNG

Như vừa nói trên, chúng ta sẽ phải chọn lựa một trong hai ơn gọi: một là đi tu, hai là lập gia đình, chứ không ai “bắt cá hai tay” được cả! Ðó là người sống tích cực. Hai ơn gọi này dẫn đến hai bậc sống khác nhau: bậc sống tu trì và bậc sống gia đình.

Hai bậc sống này có những điểm giống nhau, như: họ đều phải nỗ lực để nên thánh, xây dựng Giáo Hội, truyền giáo… Nhưng cũng có những điểm khác nhau, như: đời sống gia đình lo việc truyền sinh về thể lý, mặc dù có góp phần về đời sống tinh thần, còn đời sống tu trì chuyên lo việc truyền sinh về đời sống thiêng liêng; Mọi người đều thuộc về dân Thiên Chúa, nhưng các tu sĩ, linh mục, nhất là Giám mục là những người ở “cấp lãnh đạo” dân của Người, mặc dù họ cũng là một phần tử trong dân của Người; tình yêu trong đời sống gia đình tuyệt đẹp, nhưng trong đời sống tu trì, xét theo bản chất còn đẹp hơn nhiều!… Mong các bạn khôn ngoan chọn lựa!…

Chúng ta sẽ bàn về những điểm tương dị của hai ơn gọi này ở hai bài chia sẻ khác.

YẾU TỐ TÌNH YÊU TRONG MỌI ƠN GỌI

Như chúng ta vừa nói ở trên, có hai ơn gọi, vấn đề là chúng ta có thực sự sống ơn gọi của mình hay không. Ðể hiểu và sống ơn gọi, chúng ta cần phải hiểu yếu tố quan trọng của ơn gọi: TÌNH YÊU.

Trong phần này, tôi xin nhường lời cho Mẹ Têrêxa Calcutta. Mẹ nói:

“Một cách đơn giản, ơn gọi là một tiếng gọi để tôi hoàn toàn lệ thuộc vào Ðức Kitô, với ý thức rằng, không gì có thể tách tôi ra khỏi Tình yêu của Người.

“Ơn gọi là một lời mời gọi để sống trong tình yêu với Thiên Chúa và để minh chứng tình yêu đó.

“Tôi yêu mến Chúa thế nào? Tôi minh chứng tình yêu của tôi cho Thiên Chúa thế nào?

“Thưa, bằng cách làm thật tốt đẹp công việc được trao phó, bằng cách thực hiện một cách đơn sơ những gì Chúa ủy thác cho tôi dưới bất kỳ dạng thức nào.

“Chẳng hạn như cuộc sống của các chị em đã tuyên khấn – đúng như trên thực tế, họ đã trở thành hiền thê của Chúa Giêsu chịu đóng đinh – đó là ơn gọi của họ: yêu Chúa Giêsu bằng một tình yêu không chia sẻ, qua đức khiết tịnh, qua sự tự ý sống thanh bần, qua việc hoàn toàn từ bỏ mình trong đức vâng phục, và qua việc tự ý hết lòng phục vụ những người nghèo nhất của những người nghèo. Họ minh chứng tình yêu của họ đối với Thiên Chúa bằng việc đặt tình yêu đó trong những hành vi sinh động.

“Như thế, dù bạn được trao phó cho bất kỳ công việc gì, với tư cách một tu sĩ, hay một giáo dân – đó là phương tiện cho bạn để bạn dành tình yêu của bạn cho Thiên Chúa trong một hành vi sinh động, trong một hành vi của tình yêu… Bất kỳ khi nào bạn mỉm cười với một người nào đó, nụ cười đó là một hành vi của tình yêu, là một món quà cho người đó, một cái gì thật đẹp…

“Do đó, nếu tôi biết làm thế nào để yêu mến Ðức Kitô, nếu tôi muốn biết tôi có thực sự ở trong tình yêu với Thiên Chúa không, tôi chỉ cần nhìn xem tôi đã làm công việc Ngài đã trao phó cho tôi như thế nào – Có bao nhiêu tình yêu tôi đã đặt vào trong công việc của tôi.

“Bạn thấy đó, Vấn đề của ơn không hệ tại ở chính công việc – ơn gọi của chúng ta là trọn thuộc về Ðức Giêsu với ý thức rằng, không gì có thể tách lìa chúng ta ra khỏi tình yêu của Người.

“Ơn gọi không phải là những gì chúng ta đang làm, hay chúng ta làm được bao nhiêu việc, mà là bao nhiêu tình yêu tôi đã đặt vào công việc tôi đã được trao phó.

“Những gì bạn đang làm, có thể tôi không làm được… Những gì tôi đang làm, có thể bạn không làm được, nhưng tất cả chúng ta đều có thể làm cái gì đó thật đẹp cho Thiên Chúa”. (Trích dịch từ “The best Gift is Love / Meditations by Mother Teresa”, tr.113-116).