Tác giả: Paul. Lãm
Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (10, 35-45).
Thưa anh em, tiếp nối bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần trước, bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này thánh Mác-cô cho chúng ta thấy rõ hơn, những ai muốn bước theo Đức Giê-su thì phải chấp nhận con đường đau thương thập giá. Đức Giê-su nói: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu” (Mc 10, 39). Đây là lời mà Đức Giê-su đã trực tiếp nói với các Tông đồ ngày xưa, và cũng như nói với tất cả những ai muốn bước theo Người cho đến ngày tận thế.
Thật vậy, Đức Giê-su sau khi đã loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh lần thứ ba, thì Người lên Giê-ru-sa-lem để chịu khổ hình thập giá, và dùng máu của mình mà tẩy sạch tội lỗi nhân loại, và ngày thứ ba Người đã sống lại để cho những ai nhờ tin vào Người thì cũng được sống đời đời. Phần các Tông đồ, sau khi chứng kiến cái chết nhục nhằn của Đức Giê-su trên thập giá, thì sợ hãi và thất vọng. Nhưng khi thấy Đức Giê-su phục sinh vinh hiển, thì bắt đầu ra đi, hăng say loan báo Tin Mừng mà không còn sợ hãi. Thánh Phê-rô và thánh Gio-an đã nói và làm chứng trước Thượng Hội Đồng người Do-thái: “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4, 19). Và rồi cũng như Đức Giê-su, Thầy của mình, các Tông đồ cũng lần lượt uống chén đắng như thế. Bắt đầu từ thánh Gia-cô-bê, rồi đến các Tông đồ khác: Ba-tô-lô-mê-ô, Simon và Giu-đa, An-rê, Tô-ma, Mát-thi-a và Phê-rô, người thì bị chặt đầu, người thì chịu đóng đinh, nhưng tất cả các ngài đã chết vì danh Đức Giê-su, và vì Tin Mừng.
Và cũng chính nơi những con người ấy, mà ta lại thấy được sự khác biệt rất rõ ràng, trước và sau khi Đức Giê-su phục sinh. Trước khi Đức Giê-su phục sinh, thì các ngài còn tính chuyện tranh dành nhau về quyền lực và địa vị trần thế, để rồi phải ghen tức nhau. Đúng vậy, thánh Gia-cô-bê và thánh Gio-an đã xin với Đức Giê-su: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang (…). Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với hai ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: Anh em biết, những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10, 37. 41-43). Vậy mà sau khi Đức Giê-su phục sinh thì “tất cả các ông lại đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện” (Cv 1, 14), và trở thành người của mọi người, theo tinh thần của Đức Giê-su.
Khác hẳn với lời đã xin “cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy” (Mc 10, 37), bây giờ, thánh Gia-cô-bê lại dạy phải kính trọng người nghèo. Ngài viết: “Anh em thân mến của tôi, anh em hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ khó nghèo trước mặt người đời, để họ trở nên giàu về đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao?” (Gc 2, 5). Cũng vậy, trái lại với thái độ ghen tức anh em mình vì muốn tranh dành địa vị, thánh Phê-rô viết cho những vị mục tử: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5, 2-4). Bởi vì đối với thánh Phê-rô lúc này “Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một mẫu gương cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bằng. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội lỗi, chúng ta sống cuộc đời công chính” (1Pr 2, 21-24).
Đúng như thánh Gio-an đã nói: “Ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi trên con đường Đức Giê-su đã đi” (1Ga 2, 6). Thánh Gia-cô-bê, thánh Phê-rô và các thánh Tông đồ là những người đầu tiên đã bước đi trên con đường Đức Giê-su đã đi. Các ngài đã đổ máu mình ra để minh chứng cho Tin Mừng cứu độ. Và nhờ lời chứng của các ngài mà Tin Mừng đã nẩy nở trên khắp hoàn câu, nên các ngài đã được Thiên Chúa thưởng công cân xứng, là được vào thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời như lời Chúa đã hứa: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao” (Mt 5, 11-12). Các thánh Tông đồ là niềm tự hào của Giáo Hội, là niềm hy vọng, và là gương mẫu cho những ai muốn tiến lại gần Đức Giê-su Ki-tô để được hưởng sự sống đời đời.
Ngày hôm nay, không còn có những cuộc bắt đạo gắt gao như thời các Tông đồ, và như các thánh tử đạo phải đổ máu để làm chứng cho đức tin, nhưng vẫn luôn luôn hạnh phúc cho những ai giám nghĩ rằng mình sẽ sẵn sàng sống chết vì đức tin, thì chắc hẳn Thiên Chúa cũng sẽ tặng ban cho họ phần thưởng lớn lao. Thánh Síp-ri-a-nô nói rằng: “Khi lòng tin chuẩn bị cho ta sẵn sàng chịu tử đạo, thì ta có được Thiên Chúa gọi về trước, ta cũng không mất phần thưởng đâu; Thiên Chúa là vị thẩm phán sẽ trả công cho ta không chút trì hoãn. Người chiến đấu trong cơn bách đạo cũng như kẻ sống theo lương tâm thời bình đều được Chúa ân thưởng”. Đây cũng là hy vọng lớn nhất của người Ki-tô hữu sau khi nhắm mắt lìa đời.
Sau cùng, xin dẫn lời của cha già Giu-se Nguyễn Đăng Điền trong mấy tuần lễ gần đây, trong khi giảng dạy, cũng như trong lúc ngồi tòa giải tội, ngài luôn tha thiết khuyên nhủ: anh chị em hãy khao khát cho được vào Nước trời. Vì, ông bà cha mẹ và những người thân yêu của anh chị em, và các thánh đang chờ anh chị em ở đó. Khi cầu nguyện, anh chị em đừng chỉ cầu xin cho công việc làm ăn, học hành hay sức khoe mà quên cầu xin cho chính mình, cho gia đình, cho người thân, cũng như cho bạn bè và mọi được ơn cứu độ. Thật vậy, anh chị em đã vui vẻ và hạnh phúc biết bao, khi được sum vầy dưới một mái nhà, trong một cộng đoàn, trong một giáo xứ ngay khi còn ở giới thế gian này, thì anh chị em lại càng hân hoan biết mấy khi được vào nhà của Chúa! Vậy, anh chị em hãy tha thiết nài xin Thiên Chúa để Người ban cho mình và mọi người được ơn cứu độ. Vì “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn con mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62, 2).
Unidos en el Jesus Cristo!