Tự do của Ki-tô hữu theo thánh Phao-lô
Dẫn vào: Tự do là một trong những chủ đề chính yếu trong thư của thánh Phao-lô gửi tín hữu Ga-lát. Ngài đã sống kinh nghiệm tự do cách sâu xa và nội tâm từ khi gặp Đức Ki-tô hằng sống.
|
Ngài không bao giờ tách rời lý thuyết với kinh nghiệm. Trước khi soạn thần học tự do trong Đức Ki-tô (x. Gl 2, 4), ngài đã đau khổ vì vấn đề này. Đối với ngài, chiều sâu và tính nội tâm của tự do là được thoát khỏi bất kỳ chủ nghĩa, qui ước xã hội, đố kỵ ý thức hệ theo thời. Chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy ngài đã tranh đấu trong suốt cuộc đời để bảo vệ tự do này.
Trong Hội đồng tại Giê-ru-sa-lem, những người do thái theo ki-tô giáo đã muốn áp đặt Luật Mô-sê trong đó có việc cắt bì cho người ki-tô gốc dân ngoại. Người ta muốn áp dụng điều này cho những người sống tại Ga-lát. Đối mặt với những người do thái ki-tô, thánh nhân phản ứng mạnh mẽ chống lại "những tên xâm nhập, những kẻ giả danh giả nghĩa anh em, đã len lỏi vào dò xét sự tự do của chúng ta, sự tự do chúng ta có được trong Ðức Ki-tô Giê-su; họ làm như vậy là để bắt chúng ta trở thành nô lệ" (Gl 2, 4). Nhân cơ hội viết thư cho cộng đoàn Ga-lát, thánh Phao-lô đã đưa ra một vài khẳng định quí giá để làm sáng tỏ tự do của người ki-tô trong mọi thời đại, và chúng ta phải không ngừng suy gẫm. Thánh nhân viết: "Chính để chúng ta được tự do mà Ðức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa." (Gl 5, 1).
Dưới đây là một vài khẳng định về tự do trong thư này: trước tiên là tự do của con cái Chúa, sau đó đến tự do trong lòng mỗi tín hữu và cuối cùng là tự do hướng đến tha nhân.
1. Tự do của con cái Chúa
Tự do đầu tiên của người tín hữu là dám nói: Cha chúng ta, thánh Phao-lô viết: "Ðể chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Ápba, Cha ơi!" Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa." (Gl 4, 6-7). Tình con thảo hoàn toàn xóa đi sự bất bình đẳng, sự phân biệt xã hội, văn hóa hay tình trạng sống: "Thật vậy, nhờ đức tin tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Ðức Giê-su Ki-tô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Ðức Ki-tô, đều mặc lấy Ðức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Ðức Kitô. Mà nếu anh em thuộc về Ðức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa." (Gl 3, 26-29). Mọi kẻ tin đều là con cái của "bà tự do" [1] (x. Gl 4, 21-31), từ lâu sống son sẻ, đã trở nên đông đúc nhờ lời hứa hiệu năng của Thiên Chúa trong đó mọi con cái sinh ra được tự do và kế thừa đầy đủ quyền hành. Tất cả chúng ta theo cách của I-xa-ác, trở nên những người con của lời hứa, người con của điều không thể, mà trở nên có thể. Với mỗi người chúng ta, việc sinh ra trong phép rửa mang lại sự sống đích thực và tự do đích thực chính là điều kỳ diệu của giao ước.
Phao-lô hiểu rằng tự do là một phẩm chất mới mà Đức Ki-tô dành lại cho chúng ta. Từ nay nó được ăn rễ sâu vào hữu thể trong tư cách là con của chúng ta. Đó chính là một thứ sung túc và đầy hứng khởi mà Thánh Thần đã dạy cho chúng ta và được tỏ ra qua hành vi dâng hiến trọn vẹn của chúng ta, là con cái Chúa.
Là con cái trong Giáo Hội của Chúa Ki-tô, chúng ta không còn ở dưới chế độ lề luật nhưng chúng ta phải sống trong ân sủng: "Còn Giê-ru-sa-lem thượng giới thì tự do: đó là mẹ chúng ta." (Gl 4, 26).
2. Từ lề luật đến tự do nội tâm
Phao-lô không nói Luật là xấu. Ngài khẳng định nó là thánh (x. Rm 7, 12), là thiêng (x. Rm 7, 14), là tốt (x. Rm 7, 16) bởi vì nó phát xuất từ Thiên Chúa, vì chính Chúa mà Luật Mô-sê được mạc khải. Vào thời Tân ước, Lề luật được viết ra không nhằm để tham chiếu chuẩn mực của người tín hữu nhưng là Tin mừng của Chúa Ki-tô, đời sống và lời của Chúa. Những động lực sống của người tín hữu không phải là những điều bắt buộc, những cấm đoán, những đố kỵ xã hội nhưng là thấm nhuần tình yêu Đức Ki-tô, được đón nhận và hiểu biết như nguồn tự do mới. Lề luật là thứ để giải thoát. Đối với thánh Phao-lô, luân lý ki-tô là luân lý tự do chứ không phải là nô lệ. Lề luật được thúc đẩy bởi năng lực Thánh Thần nơi chúng ta, đó là cái mà thánh nhân gọi là ân sủng: "Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa." (Gl 5, 18). Thánh Thần còn hơn cả người hướng dẫn hay thầy dạy dẫn dắt và dạy dỗ chúng ta từ bên ngoài, nhưng sự năng động nội tâm hành động trong chúng ta mới là chính yếu. Năng lực tình yêu này giúp chúng ta yêu mến ý của Chúa trong chúng ta và làm cho chúng ta có khả năng hành động vì tình yêu. Như vậy, theo ngài, Ki-tô hữu thực sự tự do là người tránh điều xấu không phải vì cấm nhưng vì điều xấu xúc phạm, làm tổn thương và giết hại tình yêu.
Quả vậy, Lề luật ở trong trường hợp cần thiết này, ví dụ Luật Mô-sê, nó giữ vai trò như nhà sư phạm. Nó dạy chúng ta ý thức tình trạng tội nhân và nó dẫn chúng ta đến với Đức Ki-tô: "Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Ðức Ki-tô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin." (Gl 3, 24). Nhưng chỉ có đức tin vào Chúa Ki-tô có thể giải thoát con người bằng cách chữa trị tận căn và đưa con người vào lãnh thổ hoạt động đặc thù của tự do ki-tô, có là tình huynh đệ.
3. Tự do vì tình huynh đệ
Một khi được Thánh Thần giải thoát, người tín hữu làm cho những sức mạnh bác ái được tự do trong đời sống mình, mở rộng trong chính bản thân không gian đối thoại, ngày càng trở nên hiện diện huynh đệ trong tất cả mọi người. Khi được tự do như thế, họ được thấy lại mình; khi được tìm lại, họ tự cho đi.
Tự do nội tâm của người ki-tô tỏ lộ tức thì trong thái độ của mình đối với cộng đoàn Giáo Hội, dù là địa phương hay hoàn vũ. Người tự do một khi gắn bó bản thân mình với ý Thiên Chúa, họ nhận ra và chấp nhận vị trí mà Đức Ki-tô đã ban cho họ trong Giáo Hội, không do dự cũng không sợ hãi. Khi đảm nhận đoàn sủng riêng của mình cách khiêm tốn họ có thể hiểu rõ hơn tính đa dạng của Giáo Hội và cảm phục những ân huệ mà Chúa Thánh Thần đã dành cho anh chị em của họ; càng lớn lên trong tự do nội tâm, họ càng có mong muốn và xúc tiến sự hiệp nhất Giáo Hội.
Với Phao-lô, tiêu chí chắc chắn nhất của tự do nội tâm đích thực tỏ rõ qua phẩm chất tình yêu huynh đệ của chúng ta. Hầu như ở tầm mức này mà chúng ta có thể kiểm chứng được chúng ta có được Chúa Thánh Thần, Nguồn Tình yêu, tác động hay không: "Anh em đã được gọi để được hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi." (Gl 5, 13-14). Không còn là lời mời gọi để sống dễ dãi, tự do của người ki-tô là đòi hỏi mạnh mẽ nhất của mọi kêu ơn gọi. Không có gì đòi hỏi hơn là tình yêu, tình yêu tóm lược mọi giới luật. Tình yêu trở nên hoàn hảo hơn khi Đức Ki-tô, Người Tôi Tớ đã rửa chân cho các môn đệ và đã dạy họ như vậy. Đó là tình yêu làm lớn lên và làm tăng sự cao quí của người ki-tô thực sự tự do.
Kết luận: Phao-lô đã trình bày tự do của người ki-tô dưới nhiều cách thức trong các thư của ngài. Với thư gửi tín hữu Ga-lát, chúng ta vừa thấy những đặc tính riêng. Sự tự do như thế là sự hoàn tất lời hứa của Thiên Chúa. Như thế, những điểm này cũng chứng minh cho chúng ta thấy rằng tin mừng của Phao-lô là tin mừng của tự do nơi người ki-tô hữu trong Chúa Ki-tô và Thánh Thần, và nhờ có tin mừng này, người tín hữu dám kêu lên cách tự do: "Abba, Cha! (Gl 4, 6) như Đức Ki-tô đã gọi (x. Mc 14, 36).
Từ bao thế kỷ trước, Phao-lô đã ý thức về giá trị của tự do trong đời sống đức tin. Tự do này là cho những người mới gia nhập đạo dễ dàng đi theo. Trải qua thời gian và ơn đức tin soi sáng, họ bắt đầu hòa nhập và sống đức tin ấy cách chân thực và xác tín. Nó cũng là khuôn vàng thước ngọc cho sự tự do của công dân các nước nhằm phát triển cá vị và cả dân tộc.
Lm. Vinhsơn Đinh Minh Thỏa
Tài liệu tham khảo
1. Michel HUBAUT, Sur les traces de Saint Paul, Desclée de Brouwer, 1995.
2. Joseph HOLZNER, Paul de Tarse, Alsatia, 1950.
3. Alain Decaux, L'avorton de Dieu, Desclée de Brouwer, 2003.
[1] Áp-ra-ham sinh được hai con trai: một đứa là con của bà đày tớ, đứa kia là con của Sa-ra (bà tự do).
nguồn: conggiao.inf