THẦN HỌC VỀ TẠO DỰNG


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Có nhiều quan điểm khác nhau về việc hình thành vũ trụ này: vũ trụ này do một vụ nổ “bàng hoàng”; vũ trụ này là kết quả của một quá trình tiến hóa hàng triệu năm, chứ không phải di ai dựng nên… Như thế, liệu đức tin về Thiên Chúa tạo dựng có còn ý nghĩa gì nữa không?Để trả lời câu hỏi này cần khảo cứu đạo lý về tạo dựng từ Kinh thánh – Cựu ước và Tân ước – qua truyền thống của Giáo hội.

I. MẶC KHẢI VỀ TẠO DỰNG TRONG KINH THÁNH CỰU ƯỚC

Trong quá khứ, thần học đã vấp phải vài lầm lỗi không nhỏ khi khảo sát những đoạn văn Kinh thánh nói về sự tạo dựng.

– Lỗi thứ nhất là ra như họ chỉ giới hạn vào chương thứ nhất của sách Sáng thế, mà bỏ qua các đoạn văn khác của toàn bộ Kinh thánh (cả Cựu ước lẫn Tân ước).

– Lỗi thứ hai là kể cả khi giới hạn vào chương đầu của sách Sáng thế, họ coi đó như là một đoạn văn mô tả việc sáng tạo vũ trụ theo thứ tự xuất hiện các loài, giống hệt như các sách sử ký hay vật lý. Nói cách khác, họ không chú ý đến thể văn cũng như bối cảnh của những chương đầu của sách Sáng thế.

Ngày nay khoa chú giải Kinh thánh đã nhắc nhở các độc giả hai điều cần lưu ý khi đọc các bản văn Kinh thánh về sự tạo dựng. Thứ nhất, cần phải nghiên cứu thể văn của từng loại. (Điều này cũng được áp dụng khi bình giảng văn chương nói chung: chúng ta không thể dùng một tiêu chuẩn như nhau khi phân tích một bài thơ, một cuốn tiểu thuyết, một biên bản của Sở Công an, một văn bản pháp lý, một công thức toán học). Thậm chí ở đầu sách Sáng thế, thể văn của chương 1 và bốn câu đầu của chương 2 thì khác với thể văn của những phần còn lại của chương 2, bởi vì do hai bàn tay khác nhau đã soạn ra. Điều thứ hai cần lưu ý là mục tiêu của các tác giả Sách thánh. Họ không có chủ ý trình bày sự thành hình của vũ trụ này để thỏa mãn óc tò mò suy tư cho bằng nhằm ca ngợi quyền năng và lòng nhân ái của Thiên Chúa. Đấng đã yêu thương Dân của mình.

Thực vậy, các tác giả Sách thánh không phải là những nhà vật lý học cũng chẳng phải là những triết gia. Họ là thành phần của dân Israel, một dân tộc đã cảm nghiệm được tình yêu của Giavê nhiều lần can thiệp vào lịch sử của họ, đặc biệt là kể từ lúc giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ của Ai cập. Để tỏ ra lòng yêu thương ấy, Givê đã không ngần ngại thi thố quyền năng trên tinh tú và sóng nước để cứu dân riêng của mình (Xem các bài ca ở sách Xuất hành chương 15, câu 1-18; Giosuê 10,5-13). Giavê là Chúa trên trời, là bá chủ tất cả trời đất, điều hành tất cả sấm chớp cuồng phong. Thế mà vị Chúa tể càn khôn như vậy đã thương đoái hoài tới Israel, huy động các quyền năng thiên nhiên để bày tỏ ra tình thương của mình.

Tất cả những đoạn văn của Kinh thánh nói về sự tạo dựng cần được đọc trong bối cảnh của lòng thán phục tri ân đó, Israel đã cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương vì đã chọn mình từ con số không giữa muôn vàn dân khác (dù khi nói ơn gọi tổ phụ Abraham hay là khi nói tới sự thiết lập một dân tộc từ những bọn người nô lệ). Thế nhưng lòng tin vào tình thương của Giavê đã gặp phải cơn khủng hoảng khi mà Israel bị mất nước và nếm cảnh lưu vong: phải chăng họ đã bị Giavê bỏ rơi rồi? Các ngôn sứ đã trả lời: Không, Chúa không có bỏ rơi Israel đâu! Trước đây, Ngài đã tạo dựng họ từ con số không: nay Ngài cũng có thể tái tạo họ từ con số không. Quyền năng của Ngài không phải chỉ giới hạn trên lãnh thổ Canaan; quyền năng của Ngài lan rộng khắp cả hoàn vũ dĩ nhiên kể cả tại nơi Israel đang bị lưu đầy.

Thực vậy, Giavê là Đấng Tạo dựng trời đất. Lời xác tín của các ngôn sứ (Amos 4,13; 5,8-9; 9,5-6; Giêrêmia 32,17; 33,25-26; Isaia 40,22-28; 42,5-6…) nhằm khẳng định rằng Giavê không hề lãng quên giao ước: Ngài vẫn còn yêu thương Israel, và sẽ ra tay cứu thoát họ. Sự cứu thoát được ví như cuộc “tạo dựng mới”. Tóm lại, chân lý về Thiên Chúa tạo thành trời đất không phải là một lời khẳng định siêu hình về nguồn gốc vũ trụ, cho bằng tuyên dương lòng xác tín nơi lòng Chúa yêu thương cứu vớt. Cần phải đọc các đoạn văn về tạo dựng trong bối cảnh ấy. Chúng ta sẽ rảo qua những đoạn quan trọng nhất: Sáng thế 1,1-2, 4a; Sáng thế 2,4b-25; Các Thánh vịnh, các sách Khôn ngoan; Maccabê quyển 2, chương  7 câu 28.

1) Đoạn văn của Sáng thế 1,1-2, 4a chương 1 của sách Sáng thế kéo dài sang tới phần đầu của câu 4 ở chương 2 do một tác giả quen gọi là thuộc “nguồn tư tế” (Priestercodex).

Như trên đã nói, trước đây không thiếu người đã giải thích đoạn văn này như bài tường thuật diễn tiến công cuộc tạo dựng vũ trụ (theo thứ tự của 6 ngày hay là 6 niên đại). Nhưng khoa chú giải Kinh thánh đã cho thấy rằng đó không phải là dụng ý của tác giả. Tác giả đã sử dụng những chất liệu rút từ truyền thồng dân gian để soạn ra một bài huấn giáo chung quanh đề tài căn bản phát biểu ở câu 1: “Khởi thủy Thiên Chúa dựng nên trời và đất”. Dựng nên như thế nào? Bằng lời của Ngài. Thành ngữ “Chúa phán thế này” được lặp đi lặp lại nhiều lần tựa hồ điệp khúc của bài hò ca, muốn nói lên quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Thực vậy, nơi các thần thoại về sự tạo dựng ở các tôn giáo cổ truyền, công cuộc tạo dựng rất là vất vả mệt nhọc: các thần phải trầy da tróc vẩy vật lộn với nhau (kiểu như Sơn tinh với Thủy tinh) vừa để xây dựng vừa để bảo vệ chống những tên đặc công phá hoại! Còn trong Kinh thánh thì tất cả diễn ra cách êm thấm dễ dàng do lời của Chúa phán.

Công cuộc tạo dựng kéo dài bao lâu? Đây không phải là mối bận tâm của tác giả. Người ta nhận thấy có sự gượng ép khi mà tác giả kể ra đến 8 công tác (ánh sáng, vòm trời, đất và biển, thảo mộc, tinh tú, cá biển chim trời, động vật, con người), nhưng phải làm cho xong trong vòng 6 ngày. Vì vậy mà có lúc phải tăng gia sản xuất, nghĩa là có ngày phải làm 2 công tác (ngày thứ ba đất biển và thảo mộc, ngày thứ 6 động vật và con người). Sự làm việc gấp rút như vậy nhằm đạt tới chỉ tiêu nào? Thưa là để được nghỉ vào ngày thứ 7, ngày mà Israel tưởng niệm giao ước. Nói khác đi, công cuộc tạo dựng hướng tới giao ước. Thiên Chúa tạo dựng bằng “Lời” của Ngài. Lời biểu lộ quyền năng cũng như Lời biểu lộ việc mặc khải đối thoại. Về phần Israel, họ hãy nhớ rằng vũ trụ này đã được Thiên Chúa tạo dựng để ban cho con người sử dụng.

Họ hãy nhận biết sự tốt lành của Thiên Chúa nơi các tạo vật, chứ đừng đi thờ lạy những ngẫu tượng! Con người là hình ảnh của Thiên Chúa cơ mà: dại gì mà lại đi thờ đất đá? Nói chung, đoạn văn này mang tính chất lạc quan: moi sự đều nằm trong tay của Chúa; Chúa đã dựng nên mọi sự tốt lành; mọi tạo vật cần phải nhìn nhận chúc tụng Chúa. Đó mới là tư tưởng chính của tác giả. Tác giả không có ý định thuật lại thứ tự của các công việc (thứ tự này có lẽ lấy từ chất liệu của truyền thống dân gian) lại càng không có ý định giới hạn việc tạo dựng trong 6 ngày. Thực vậy, tiếng “ngày” không có giá trị thời gian xét vì ngày thứ nhất đã được nói tới đang khi mà lẽ ra phỉ chờ cho tới ngày thứ tư khi mặt trời và mặt trăng được dựng nên để phân biệt ngày với đêm!

2) Đoạn văn ở chương 2, câu 4b-25 của sách Sáng thế không chủ ý trình bày chân lý về sự tạo dựng cho bằng chân lý về nguồn gốc của sự dữ sẽ được khai triển ở chương 3. Dù sao thì nó do một bàn tay khác viết ra (quen gọi là nguồn J, vì gọi Thiên Chúa bằng danh hiệu Jahvê). Lối hành văn khác với chương 1, và chú trọng tới sự tạo dựng con người hơn là sự tạo dựng vũ trụ.

3) Các thánh vịnh. Trong các thánh vịnh, sự tạo dựng trở thành chủ đề cho các tâm tình tạ ơn (Tv 136), ngợi khen và thờ lạy (Tv 148), tin tưởng (Tv 33), trầm trồ thán phục (Tv 8 và 104). Chúng ta thấy đôi khi vịnh gia liệt kê các công tác tạo dựng vũ trụ được móc nối với chuỗi những công tác tạo dựng vũ trụ được móc nối với chuỗi những cộng tác cứu thoát dân Israel (Tv 136), với điệp khúc: “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Qua các thánh vịnh này, ngoài những chân lý đã nói ở sách Sáng thế (thí dụ như: + tạo dựng bằng “lời”, Tv33,6.9; Tv 148,5; + chỗ đứng ưu việt của con người: Tv 8,4-5), tác giả còn muốn đề cao chân lý về sự quan phòng của Thiên Chúa: Ngài tiếp tục ban cơm bánh lương thực nuôi dưỡng các sinh linh (Tv 136,25; 145,15; 147,8): và nhất là chúng sống được là nhờ thần khí của Chúa (Tv 104,29-30).

4) Các Sách Khôn ngoan. Bối cảnh của các tác phẩm này đã khác với các sách lịch sử và ngôn sứ. Chân lý về sự tạo dựng không còn được gắn liền với lịch sử cứu độ, nhưng trở thành một đề tài suy niệm và áp dụng vào luân lý cá nhân. Người ta thấy là các tác giả đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy lạp. Sự tạo dựng được coi như tác phẩm bày tỏ sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa (Châm ngôn 3,19-21; 8,22-23); do đó mà con người cũng phải học biết cách cư xử theo lẽ khôn ngoan. Mặt khác, tác giả của sách Giób (ch.28). Giảng viên (ch.3), Huấn ca (1,4-6; 3,21-24) thành thực thú nhận rằng tuy họ chấp nhận sự khôn ngoan cao cả của Chúa, nhưng họ không hiểu nổi đường lối thâm sâu của Ngài nhất là khi phải đối chiếu với sự dữ ở trên đời này. Sách Khôn ngoan đánh dấu một bước tiến thần học về tạo dựng ở hai điểm:

a) tác giả nói tới sự “tạo dựng vũ trụ” (cosmos) lấy từ văn hóa Hy lạp, thay vào từ ngữ “dựng nên trời đất” của văn hoa Do thái cổ truyền:

b) Ở chương 13, câu 1-5, tác giả quả quyết rằng từ những công trình trong vũ trụ này, trí khôn có thể lý luận về sự hiện hữu của vị Chủ tế.

5) Sau cùng, quyển 2 của sách Maccabêô, chương 7 câu 28, đánh dấu bước tiến cuối cùng của đức tin, khi khẳng định rằng Thiên Chúa đã làm nên trời đất “từ những cái không có trước” (ouk ex onton). Như vậy, chân lý về sự tạo dựng được phát biểu cách hoàn bí hơn: tạo dựng từ hư vô (productio ex nihilo).

II. MẠC KHẢI VỀ TẠO DỰNG TRONG KINH THÁNH TÂN ƯỚC

Các tác giả của Tân ước tiếp nhận lòng tin vào Thiên Chúa dựng nên trời đất, mà truyền thống Cựu ước đã để lại. Mặt khác, Tân ước đã tiến thêm một bước khi nói tới vai trò của đức Kitô như nguyên ủy và cùng đích của sự tạo dựng.

1) Trong Phúc âm nhất lãm, chúng ta thấy nhiều lần Chúa Giêsu không những đã ca tụng Thiên Chúa là “Chủ tể của trời đất” (Mt 11,25), nhưng còn đi trở lại với hồi nguyên thủy để nhắc nhở về ý định của Đấng Tạo hóa. Thí dụ về sự tốt lành của vạn vật (Mc 7,14-20; chống lại quan điểm Pharisêu phân biệt những vật thanh khiết và những vật ô uế); về sự nghỉ ngơi ngày thứ 7 (ngày của tự do hoan hỉ và yêu thương, chống lại quan niệm vụ luật về việc nghỉ việc: Mc 3,4); về hôn nhân bất khả ly (Mt 19,8). Đặc biệt chân lý về Thiên Chúa chủ tể vạn vật được dùng để khuyến khích ta tín thác nơi Cha trên trời, Đấng quan phòng lo lắng cho cả chim trời và hoa đồng (Mt 6,25-34), Đấng ban mưa nắng cho cả người lành người dữ (Mt 5,45), Đấng đếm hết các sợi tóc trên đầu ta (Mt 10,29). Đấng đã yêu thương ta “ngay từ thủa tạo thiên lập địa” (Mt 25,34; xc Ep.1,2).

2) Thánh Phaolô cũng nuôi một niềm thâm tín như cha ông rằng “tất cả mọi sự đều tự Thiên Chúa mà có” (1 Cr 11,12), rằng “trái đất và muôn loài trong trái đất đều thuộc về Chúa” (1 Cr 10,26). Thánh Phaolô cũng lặp lại tư tưởng của sách Khôn ngoan khi khẳng định rằng từ các sự vật hiện hữu ta có thể suy ra sự hiện hữu của Đấng Tạo thành (Rm1,19-20). Tuy nhiên, Phaolô tiến xa hơn Cựu ước khi xen vào vai trò của đức Kitô trong công cuộc tạo dựng, đặc biệt là trong 1Cr 8,6; Cl 1, 15-20 (xc. Do thái 1,1-3). Đức Kitô đã ở bên cạnh Chúa Cha vào lúc tạo dựng (Rm 11,36) như là “Thượng trí của Thiên Chúa” (x. 1Cr 1,24.30) mà các sách Khôn ngoan nói tới (Châm ngôn 8,22; Huấn ca 24,1-9). Đức Kitô vừa là trung gian của việc tạo dựng vừa là trung gian của việc cứu chuộc (1Tm 2,5). Đức Kitô là nguyên thủy, trung tâm và cùng đích của sự tạo dựng: “trong Người muôn vật được tạo thành… tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1,16). Khi đặt đức Kitô hiện diện trong công cuộc tạo dựng, thánh Phaolô muốn gắn chặt kế hoạch tạo dựng và kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa (Ep 1,3-14). Sự tạo dựng không chỉ liên quan tới hồi nguyên thủy cho bằng nhằm tới cùng đích viên mãn cánh chung của sự “tạo dựng mới” (2 Cr 5,15; xc. Rm 8,21; 1Cr 15,28). Dù sao, lòng tin nơi Chúa tạo thành và cứu chuộc trở thành động lực giúp cho người tín hữu hiên ngang tín thác, không sợ hãi quyền lực nào trên trời dưới đất nữa, khi họ biết rằng tất cả mọi loài đều phải suy phục Thiên Chúa (1 Cr 3,21-23; 1 Tm 4,2-5).

3) Thánh Gioan đã trình bày vai trò của đức Kitô trong công cuộc tạo dựng khi khai triển đề tài “Lời của Thiên Chúa”. Sách Sáng thế nói rằng Thiên Chúa đã dựng nên trời đất bằng lời của Ngài. Thánh Gioan giải thích rằng “Lời” là một Ngôi vị. Lời hằng hữu từ nguyên thủy, Lời đã cùng tham dự vào công cuộc tạo dựng cũng là Lời mà Thiên Chúa mặc khải đối thoại với Israel, và sau cùng đã xắm lều giữa chúng ta, mang lại cho chúng ta ân sủng và chân lý. Thực vậy, Lời ấy cũng là sự sống, ánh sáng cho hết mọi người. Sách Khải huyền còn thêm rằng đức Kitô là Khởi đầu và là Tận cùng (Alpha và Omega: 21,6; 22,13) của công cuộc tạo dựng và của dòng lịch sử. Kết điểm của lịch sử là tái tạo “trời mới đất mới”, khi trời đất giao duyên trong thành Giêrusalem trên trời, nơi không còn đêm tối, không cần ánh sáng của đèn hay của mặt trời vì Thiên Chúa sẽ chiếu rọi họ (22,5).

III. MẠC KHẢI VỀ TẠO DỰNG TRONG TRUYỀN THỐNG GIÁO HỘI

Khi nói đến sự tạo dựng, chúng ta thấy rằng Kinh thánh (cả Cựu ước lẫn Tân ước) không giới hạn vào một chân lý trừu tượng liên quan tới nguồn gốc của vũ trụ, nhưng luôn lồng trong bối cảnh của chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, và rút ra những bài học thực tiễn cho đời sống, nhất là khi đức tin bị lung lay trước những thử thách của cảnh lưu đày, của sự đàn áp dưới lực lượng sự dữ. Trải qua dòng lịch sử của Kitô giáo, chân lý về Thiên Chúa tạo thành được khẳng định vào những cơ hội khác nhau, khi mà đức tin bị tấn công bởi những trào lưu đối nghịch. Có những chủ trương đồng hóa vũ trụ vật chất với Thiên Chúa (tạm gọi là “nhất nguyên”, monismus). Đối lại, có những chủ trương coi vật chất là xấu xa, và không phải do Thiên Chúa làm ra song là bởi một căn nguyên khác (tạm gọi là “nhị nguyên”, dualismus). Chúng ta hãy rảo qua lịch sử của truyền thống Hội thánh, phân thành ba giai đoạn:
–    Thời giáo phụ;
–    thời trung cổ và cận đại;
–    thế kỷ XIX-XX.

A.    Thời giáo phụ

Vào thời các giáo phụ, đức tin về Thiên Chúa tạo dựng được ghi vào đầu các tín biểu; mặt khác, các tác giả cũng đã phải đối chất lòng tin ấy với những triết thuyết và tôn giáo đương thời.

1) Các tín biểu cổ truyền đều tuyên xưng Thiên Chúa Cha toàn năng (pantokrator: omnia tenens, người thống lĩnh mọi sự). Từ thế kỷ IV, mới xuất hiện biểu thức “Đấng dựng nên trời đất” (creatorem coeli et terrae). Công đồng Nixêa (315) thêm rằng: “mọi vật hữu hình và vô hình”, nhằm bài trừ thuyết nhị nguyên, Công đồng Nixêa cũng thêm vai trò của đức Kitô trong công cuộc tạo dựng: khác với vũ trụ này, đức Kitô thì “được sinh ra chứ không phải được tạo thành” (genitum non factum); hơn thế nữa, “nhờ Người mà muôn vật được tạo thành” (per quem omnia facta sunt).

2) Khi mang Tin mừng đến truyền bá cho văn minh Hy lạp, Kitô giáo đã gặp một trở ngại lớn, bởi vì tại đây họ chủ trương rằng vật chất đã hiện hữu từ muôn thủa (ảnh hưởng của triết thuyết Platon và Stoa). Các nhà hộ giáo (thí dụ như Taxianô) đã phải trình bày đức tin Kitô giáo với một ngôn ngữ chính xác hơn, đó là “tạo dựng từ hư vô” (creatio ex nihilo). Duy chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng tự hữu và vô biên; còn vũ trụ này thì hữu hạn và có thời gian. Vũ trụ này được dựng nên và nhận được sự hiện hữu bởi Thiên Chúa.

3) Mặt khác, ngay giữa lòng các Kitô hữu nảy ra phái ngộ đạo với chủ trương nhị nguyên. Theo họ, sự dữ và vật chất không thể nào do Thiên Chúa làm ra: vũ trụ này phát xuất bởi một nguyên ủy xấu. Phong trào ấy bành trướng mạnh mẽ với chủ thuyết “manikê” (lấy tên từ vị thủ lãnh Mani hay Manêtê +227). Thánh Augustinô đã viết nhiều sách để phi bác thuyết ấy.

B. Thời Trung cổ và cận đại

1) Vào thời Trung cổ, thuyết nhị nguyên của Manikê tái phát nơi phong trào “Catari” và “Albigensê” Công đồng Latêranô IV (1215) đã phải can thiệp và tuyên bố rằng: Chỉ có một Chúa Tạo thành (chứ không có hai); Ngài dựng nên vạn vật từ hư vô (dĩ nhiên là chính Ngài đã dựng nên vũ trụ vật chất, chứ nó không tự hữu); Sự dữ không phải là một thực thể biệt lập nhưng bắt nguồn từ tội lỗi (ma quỷ đã được Chúa dựng nên như là thiên thần tốt, rồi sau đó sa ngã thành quỷ).

2) Thánh Tôma Aquinô sử dụng triết thuyết của Aristốt để trình bày chân lý về sự tạo dựng xét dưới khía cạnh siêu hình (hữu thể học). Thiên Chúa là hữu thể tuyệt đối; còn các thụ tạo thì được Ngài ban sự hiện hữu. Giữa Đấng Tạo hóa và loài thụ tạo có sự tương-đồng loại-suy xét về hữu thể (analogia entis). Mặt khác, thánh Tôma cho rằng nhờ đức tin chúng ta mới biết được là vũ trụ này có khởi thủy thời gian; chứ còn nếu xét theo lý luận tự nhiên, thì chuyện vũ trụ hiện hữu từ muôn thủa không có gì là phi lý. Sự lệ thuộc của vũ trụ vào Đấng Tạo hóa xét về hiện hữu không nhất thiết bao hàm rằng vũ trụ hiện hữu sau Đấng Tạo hóa xét về thời gian (Sum, Theol. I,q.45,3). Từ thánh Tôma trở đi, thần học về sự tạo dựng rẽ sang một khúc quặt: nó mang tính cách siêu hình xét về hữu thể, và quên dần chiều kích lịch sử cứu rỗi. Nó giới hạn vào vấn đề nguồn gốc của vũ trụ, chứ không còn liên can tới vấn đề Quan phòng, Cứu chuộc và Cánh chung.

C. Thế kỷ XIX-XX

1) Vào thời cận đại, thần học về sự tạo dựng gặp khủng hoảng từ nhiều phía. Về phía triết học, với sự xuất hiện của những học thuyết phiếm thần (pantheismus) của Spinoza, đưa thời thuyết duy tâm của Hegel (phiếm thần duy linh) và thuyết duy vật của Marx (phiếm thần duy vật). Về phía khoa học, vấn đề nguồn gốc của vũ trụ được khảo cứu theo phương pháp thực nghiệm toán học chứ không theo đường lối siêu hình như trước. Những ngôn ngữ của Kinh thánh trái ngược với ngôn ngữ của vật lý học, nhất là khi mà các bản văn Kinh thánh được giải thích một cách máy móc theo chữ đen.

2) Chống lại các học thuyết phiếm thần, Công đồng Vaticanô I khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng Tạo thành nên vũ trụ. Nói khác đi, không thể đồng hóa Thiên Chúa với vũ trụ. Ngài đã dựng nên vũ trụ do tình thương dạt dào chứ không phải vì thúc bách để mình được hoàn thiện hơn. Mặt khác, lý trí con người có thể nhìn biết Đấng Tạo hóa từ những vật đã được dựng nên (Hiến chế Dei Filius).

3) Vào đầu thế kỷ 20, thần học về sự tạo dựng gặp phải sự thách đố mới từ thuyết tiến hóa của Darwin, lúc đầu áp dụng vào các sinh vật rồi sau đó mở rộng cho toàn thể vũ trụ. Dưới nhãn giới của thuyết tiến hóa, vũ trụ này chưa hoàn tất vào lúc khởi nguyên nhưng còn tiếp tục tiến triển hoài hoài.

4) Khi bàn về vấn đề tạo dựng, Công đồng Vaticano II đã trở về với nguồn Kinh thánh, không những đã lồng nó trong lịch sử cứu rỗi với trung tâm và cùng đích là đức Kitô, nhưng còn muốn nêu bật chiều kích nhân bản của nó. Vũ trụ này được Chúa dựng nên và trao cho con người cai quản: nhờ lao động, con người cũng tham gia vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 33-39.45). Ngoài ra, Hiến chế về Mặc khải số 2 cũng quan niệm sự tạo dựng như là khởi điểm của lịch sử cứu rỗi, chặng mở đầu của việc Chúa thông ban mình do tình thương dạt dào và sự thượng trí bô bờ bến.

Như thế, Cự ước đã trình bày sự tạo dựng không phải như là một chân lý siêu hình liên quan tới nguôn gốc của vũ trụ cho bằng như là lời tuyên xưng quyền năng và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng cứu thoát Israel.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Nguồn tin: Học Viện Đaminh