Kính thưa quý độc giả, tôi đã muốn dừng lại các loạt bài về giải thích các từ ngữ cổ trong các Kinh phần vì khó, phần vì sức người có hạn. Tuy nhiên, với lòng khao khát và tấm chân tình của quý vị đã muốn tôi giải thích các Kinh mà chính tôi đã muốn bỏ qua. Vì thế mà bài này ra đời.
Trong bài này, các từ ngữ khó mà tôi đã cố tình muốn né đã quay trở lại. Nói như kiểu của Tin Mừng Gioan là “tại sao ông lại giữ rượu ngon cho tới giờ này” (Ga 2,11) nghĩa là các từ ngữ đặc biệt khó, sau thời gian dài nghiền ngẫm với ơn Chúa nay mới giải thích được. Xin mời thực khách thưởng thức.
1. KINH SẤP MÌNH
LạyChúa, con sấp mình xuống trước mặt Chúa. Con tin thật Chúa ở khắp mọi nơi, thông biết mọi sự, hằng xem thấy con, hằng nghe lời con cầu nguyện. Xin Chúa rất nhân từ hãy đoái xem sự nghèo ngặt con, và nhận lời con nguyện.
Lạy Chúa, xin hãy mở miệng lưỡi con ra, thì con sẽ cao rao những lời ngợi khen Chúa.
– Trong rất nhiều lời Kinh và lời cầu nguyện chung cũng như riêng hiện nay, chúng ta thường thấy cụm từ khởi đầu “lạy Chúa”. Cụm từ này đã thành lời cửa miệng, thành phản ứng không điều kiện của rất nhiều tín hữu Công Giáo khi có bất cứ chuyện gì xảy ra, vui hay buồn, thành công hay thất bại, bình an hay bất hạnh, tất cả chúng ta đều kêu lên “lạy Chúa…”.
Từ điển tiếng Việt hiện đại giải thích hai nghĩa của từ “lạy”: 1.Chắp tay, quỳ gối và cúi gập người để tỏ lòng cung kính theo nghi lễ cũ. 2.Từ dùng trước từ chỉ người đối thoại khi mở đầu lời nói, để tỏ thái độ cung kính hoặc ý cầu xin khẩn thiết như lạy cụ, lạy trời (từ điển ghi chú đây là một từ cũ, nghĩa là nó ít được dùng trong tiếng Việt hiện đại). Cách giải thích này chưa cung cấp cho chúng ta nghĩa trọn vẹn của cụm từ “lạy Chúa” trong các Kinh.
Đối với cộng đồng Công Giáo Việt Nam thì cụm từ này được sử dụng rất phổ biến. Từ điển Việt-Bồ-La và Tự Vị Annam Latinh giải thích rất rõ cụm từ này giúp chúng ta thấy thật ý nghĩa khi đọc lên. Hai từ điển ghi nhận các nét nghĩa của cụm từ “lạy Chúa” như sau:
+ “Lạy” nghĩa là “tỏ lòng thành kính suy phục bằng hành động cúi đầu sát đất”, về hành động là “cúi đầu sát đất”, về tâm tình là “thành kính suy phục”.
+ “Lạy” nghĩa là “lời chào kính người bề trên, người rất quan trọng”. Chúng ta cũng gặp từ “lạy” đi kèm với các từ tỏ lòng kính trọng đối với người quyền uy như ‘thân lạy, tấu lạy, vạn lạy…’ Các cụm từ này làm gia tăng nét nghĩa của từ “lạy” theo kiểu xưng hô và cách giao tiếp trong tiếng Việt thế kỉ XVII.
+ “Lạy ông” nghĩa là “tôi tôn kính quyền uy của ông, tôi lệ thuộc quyền ông, ông là chủ của tôi”.
+ “Tôi lạy ông” nghĩa là “tôi tôn kính sự làm chủ của ông”.Như vậy chúng ta hiểu thêm về cụm từ “lạy Chúa” nghĩa là “con suy phục và tỏ lòng tôn kính quyền uy của Chúa, Chúa làm chủ cuộc đời của con”.
+ “Gởi lời lạy” nghĩa là “gởi những lời thăm thân thiết đối với người trên”. Mục từ này cho chúng ta thấy từ “lạy” còn có nét nghĩa chỉ mối tương quan thiết thân giữa người nói và người nghe. Nếu nói với người trên mà người trên ấy và ta không có tương quan thiết thân thì không dùng từ “lạy”.
Như vậy, khi chúng ta thưa lên “lạy Chúa” chúng ta hiểu ý nghĩa ban đầu của lời này là thể hiện tương quan thiết thân giữa người nói và người nghe, giữa chúng ta và Thiên Chúa, giữa Đấng quyền uy và phận hèn nhân loại… Tương quan ấy là tương quan thật gần, không phải là những quy tắc xã giao cấp bậc bình thường.
Các mục từ “lạy” trong Từ điển Việt-Bồ-La và trong Tự Vị Annam Latinh cho thấy nét nghĩa của từ “lạy” trong tiếng Việt thế kỉ XVII rộng hơn, có thể bổ sung cho hai nét nghĩa của từ “lạy” trong tiếng Việt hiện đại.
Hơn nữa, trong tiếng Việt hiện đại, nơi cộng đồng các tín hữu Công Giáo cụm từ “lạy Chúa” còn có thêm một nét nghĩa mới. Cụm từ này đã trở thành lời cửa miệng thật gần của từng người. Một người lỡ chân vấp té, câu cửa miệng phát ra không cần điều kiện là “lạy Chúa”; một người vừa nhận được tin vui, câu cửa miệng không cần điều kiện cũng là “lạy Chúa”, cháu bé nấc cục, bà ngoại ngồi bên kêu “lạy Chúa”… Cụm từ “lạy Chúa” đã biểu thị lời thưa không còn khoảng cách trời cao đất thấp, không còn ranh giới vòi vọi của Đấng uy nghi và vật phàm hèn nữa; lời này đã trở nên gần gũi như đứa bé trong vòng tay của cha mẹ.
Như vậy, cụm từ “lạy Chúa” nhắc chúng ta ba điều: 1.Xác định tương quan giữa chúng ta với Chúa là tương quan thiết thân; 2.Khi thưa lên lời này, chúng ta xác tín về quyền năng của Thiên Chúa trên cuộc đời của chúng ta; 3.Thái độ của chúng ta là thái độ tin yêu, nhưng tràn đầy cung kính.
Thiết nghĩ phải phối hợp các nét nghĩa cũ và mới của từ này với nhau, thì ý nghĩa của cụm từ chúng ta dùng sẽ trở nên tuyệt vời.
– Trong Kinh này chúng ta cũng thấy từ “cao rao” là một từ cổ không có trong tiếng Việt hiện đại. Từ điển Việt–Bồ-La có mục “rao” nghĩa là “công bố”, Tự Vị Annam Latinh có mục từ “cao rao” cũng có nghĩa là “công bố”. Câu Kinh “xin hãy mở miệng lưỡi con ra, thì con sẽ cao rao những lời ngợi khen Chúa” phải hiểu là “xin Chúa mở miệng con để con lớn tiếng ca khen Chúa, để con ca lên cho mọi người nghe những lời khen ngợi Chúa.”
2. KINH VÌ DẤU
Lạy Chúa chúng con, vì dấu thánh giá, xin chữa chúng con, cho khỏi kẻ thù. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
– Trong Kinh này có cụm từ “vì dấuthánh giá”, tiếng Việt hiện đại giải thích từ “vì” hay “bởi vì” có nghĩa là “nguyên nhân của điều được nói đến”. Trong tiếng Việt cổ từ “vì” còn có thêm một nét nghĩa cổ làm cho rõ nghĩa lời Kinh, nghĩa này đã được ghi trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị nghĩa là “tưởng nhớ”. Như vậy khi đọc Kinh này, chúng ta vừa đọc vừa ghi dấu thánh giá trên trán, chúng ta tưởng nhớ tới cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, tưởng nhớ đến thánh giá của Chúa Giêsu là nguồn ơn cứu chuộc; chúng ta tin, đồng thời chúng ta cũng xin Chúa Giêsu cứu chữa và giải thoát chúng ta khỏi kẻ thù.
3. KINH SÁNG DANH
Sáng danhĐức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen.
– Trong Kinh này chúng ta gặp từ “sáng”, từ này trong tiếng Việt hiện đại chỉ có nghĩa của tính từ và danh từ. Tuy nhiên, trong tiếng Việt cổ từ thế kỉ XVII cho đến thế kỉ XIX nó còn có thêm nghĩa của động từ. “Sáng” nghĩa động từ là “làm cho rõ, làm cho tỏ rạng, làm cho hiểu biết” và nét nghĩa Hán Việt của từ “sáng” lúc bấy giờ còn có nghĩa là “dựng nên, làm ra, tạo nên” nghĩa này đã làm nên các tổ hợp từ “sáng tạo, sáng chế, sáng kiến…”.
Mở đầu câu Kinh này, các giáo sĩ lúc bấy giờ đã ứng dụng cấu trúc ngữ pháp Châu Âu, lược bỏ chủ ngữ, đưa động từ lên đầu câu để nhấn mạnh hoạt động cần thực hiện, câu trở thành câu mệnh lệnh. Cha Đắc Lộ đã lấy ví dụ trong sách Ngữ pháp tiếng Việt của Cha như sau: “Nếu tôi nói ‘chèo đi cho mạnh’ thì có nghĩa là ‘anh hãy chèo mạnh’.” Nghĩa là khi lược chủ từ, đưa động từ lên đầu câu,thì câu thành câu mệnh lệnh. Như vậy, cụm từ “sáng danh…” khởi đầu trong câu Kinh này biến câu thành câu mệnh lệnh nghĩa là “hãy làm cho danh Chúa tỏ rạng, hãy làm cho danh Thiên Chúa được nhiều người hiểu biết…”.
– Trong câu Kinh này có ba từ “đức Chúa”: “Đức Chúa Cha, Đức ChúaCon và Đức Chúa Thánh Thần”. Từ điển Việt-Bồ-La có mục từ “đức” được tác giả giải thích: “Đây là tước hiệu danh giá tột đỉnh”. Các Giáo sĩ ban đầu đã hội nhập văn hóa và ứng dụng tước hiệu này với các danh xưng cao nhất nước lúc bấy giờ, đức vua, đức chúa, đức chúa bà, đức lão, đức thái quốc,… vào các danh xưng trong đạo. Chính vì vậy mà từ “đức” được ghép với danh xưng dành cho Chúa, sau Chúa có Đức Mẹ và Đức thánh Thiên Thần, ngoài ra các Thánh không được gọi bằng danh xưng có kèm với từ “đức”.
– Về từ “Chúa”: Tưởng cũng nên thắc mắc để biết thêm, tiếng Việt lúc bấy giờ đã có các từ Hán Việt chỉ người đứng vị trí cao nhất nước như: vua, vương, đế, thượng đế, thiên tử, thiên vương…; có các từ chỉ các đấng thiêng liêng như:thần, thần linh, thần thánh, thánh… Tại sao các Giáo sĩ không chọn các từ Hán Việt đương đại chỉ cấp bậc cao nhất đang thịnh hành lúc bấy giờ mà lại chọn từ“chúa” là một từ Hán Việt cổ; tại sao các vị không chọn các từ ngữ có tính chất linh thiêng mà lại chọn từ “chúa”. Đàng khác, tương đương với từ “chúa” (Hán Việt cổ vào Việt Nam từ thế kỷ IX hoặc trước nữa) có từ “chủ” (Hán Việt đương đại vào Việt Nam từ thế kỷ IX đến nay), tại sao các Giáo sĩ cũng không dùng từ “chủ” mà chọn từ “chúa”.
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cùng lần giở lại lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ. Khi các nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân lên đất Việt thế kỷ XVI, tình hình Đại Việt lúc bấy giờ đang xảy ra nội chiến – đất nước chia đôi, các triều đại phong kiến tranh dành địa vị – ngôi báu. Đại Việt khi ấy có vua nhưng là vua bù nhìn. Điều hành và cai trị ở Đàng Ngoài là chúa Trịnh, điều hành và cai trị ở Đàng Trong chúa Nguyễn. Vua đối với dân lúc bấy giờ không có nghĩa gì hết. Cha Đắc Lộ nắm rõ tình hình chính trị này khi đặt chân lên đất Việt, cha đã ghi nhận yếu tố lịch sử này rất rõ qua các mục từ trong Từ điển Việt-Bồ-La như sau:
+ “Đức vua” nghĩa là “vị vua không cai trị.”
+ “Đức chúa” nghĩa là “vị vua cai trị”.
+ “Vuatrời” nghĩa là “vua của trời”, đây là tước hiệu người ta gán cho vị quỷ thần và người ta nhân danh vị ấy mà thề nguyền.
+ “Chúa” nghĩa là “người cai trị toàn thể vương quốc mà chúng tôi (các nhà truyền giáo) gọi là rex (vua)”.
+ “Đức Chúa trời đất” nghĩa là “chúa của trời và đất, tên mà người Đông Kinh gọi Deus (Thiên Chúa)”.
+ “Đức Chúa trời” nghĩa là “Chúa Trời”, “Thiên Chúa”.
Qua các mục từ này chúng ta ghi nhận được rằng: các danh từ chỉ tước hiệu cao nhất nước của Đại Việt lúc bấy giờ gồm “vua” và “chúa”. Tuy nhiên, tước hiệu “vua” chỉ là tước hiệu bù nhìn, cha Đắc Lộ giải thích nôm na “đó là vị vua không cai trị”. Hai “chúa” cai trị hai vương quốc Đàng Ngoài và Đàng Trong mới thực sự là có danh và có quyền trên dân. Hình ảnh “vua” đối với dân Đại Việt lúc bấy giờ chỉ là “hữu danh vô thực”, có danh nhưng hoàn toàn không có quyền gì. Đó hẳn là lý do các Giáo sĩ đã chọn từ “chúa” thay cho các từ “vua, đế, vương”.
Về từ “chủ” có lẽ Đại Việt lúc bấy giờ đang còn trong chế độ phong kiến, hình ảnh “chủ – tớ” không thích hợp với đại từ mà các Giáo sĩ chọn để chỉ Thiên Chúa mà các vị đang rao giảng. Mặc dù từ “chủ” gốc Hán là từ đồng nghĩa hoàn toàn với từ “chúa”. Và, hẳn các Giáo sĩ không chọn từ “chủ” đơn giản vì lúc đó dân Đại Việt không dùng từ “chủ” để chỉ người đứng vị trí cao nhất nước mà dùng từ “chúa”. Hơn nữa, từ “chúa” lúc bấy giờ là từ Hán Việt cổ đã nhập hệ vào tiếng Việt sâu đến nỗi người ta không còn coi đó là từ gốc Hán nữa. Thiết nghĩ với các bối cảnh trên, từ “chúa” xem ra thích hợp hơn với các từ “vua, đế, vương, chủ”.
Mặt khác, vì muốn truyền giảng một đạo mới, đạo ấy nói về “Thiên Chúa yêu thương sinh xuống làm người như chúng ta – trừ tội lỗi”. Vì thế nên các Giáo sĩ thuở ấy hẳn cũng tránh các từ có tính cách thần linh cao siêu, cách xa với con người để gọi Thiên Chúa. Các Giáo sĩ muốn truyền giảng một Thiên Chúa gần gũi, một Thiên Chúa điều khiển con người, Ngài làm chủ trên sinh mạng từng người.
Từ “chúa” biểu thị đấng uy quyền, đấng tối cao điều khiển dân nước, nhưng “chúa” lại là một người từ giữa dân, sống với dân hiểu dân và dẫn dân đi trong an bình. Có lẽ hiểu bối cảnh khi đạo Công Giáo vào Việt Nam, hiểu lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ, chúng ta hiểu được sự hội nhập văn hóa và cách chọn từ ngữ để truyền đạo của các nhà truyền giáo thật thâm thúy và sâu sắc.
Các nét nghĩa của từ “chúa” trong tiếng Việt hiện đại sẽ được hiểu sâu sắc hơn, nếu chúng ta kết hợp với bối cảnh Đạo Công Giáo đến Việt Nam lúc bấy giờ và nếu chúng ta gắn kết với các nét nghĩa của từ “chúa” trong từ điển Hán Việt của Thiều Chửu hoặc của Đào Duy Anh. Hiện nay từ “chúa” trong tiếng Việt hiện đại dường như nét nghĩa bị thu hẹp lại, chỉ để nói đến “Thiên Chúa trong Thiên Chúa giáo” mà thôi.
4. KINH KÍNH MỪNG
Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ.
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.
– Trong Kinh này có từ “gồm”: Từ điển tiếng Việt hiện đại giải thích “gồm” nghĩa là “có tất cả như là những bộ phận hợp thành; ví như: Cuốn sách gồm năm chương; Đoàn chúng tôi gồm mười người”. Nghĩa này không diễn tả hết nghĩa của lời Kinh. Từ điển Việt-Bồ-La có mục từ “gồm” nghĩa là “gom lại”; Tự vị Annam Latinh bổ sung thêm “gồm” nghĩa là “đầy đủ trọn vẹn”; “gồm phúc lạ” nghĩa là “được trang trí bằng mọi ơn, đầy ơn phúc”. Với hai nét nghĩa này chúng ta hiểu Mẹ được phúc lạ, Chúa Giêsu con Mẹ cũng là nguồn mọi ơn phúc.
– Trong Kinh này có cụm từ “lâm tử”: Từ điển tiếng Việt hiện đại giải thích “lâm” nghĩa là “ở vào tình thế không hay cho mình, như lâm nạn”. Nghĩa này không sát mấy với ý nghĩa của lời Kinh. Tự vị Annam Latinh có từ “lâm” nghĩa là “sắp tới, lại gần, xảy đến”; tác giả cũng ghi thêm hai mục từ “lâm chung” và “lâm tử” nghĩa là “cái chết rất gần”. Câu Kinh này chúng ta xin Mẹ cầu cùng Chúa thương chúng ta trong lúc “lâm tử”, lúc cái chết đang rình rập cận kề.
5. KINH TIN KÍNH
Tôi tin kính Đức Chúa Trời, là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.
Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh, chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởitrong kẻ chết mà sống lại, lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng, ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.
– Tự vị Annam Latinh có mục từ “Kinh Tin Kính” trùng với tựa đề của Kinh này, tác giả giải thích “Kinh Tin Kính” nghĩa là “Bản tóm tắt giáo lý của các Tông Đồ”. Từ điển Việt-Bồ-La có mục từ “tin” cùng một nghĩa với “lòng tin, đức tin” được giải thích là “tin bằng con tim”; Tự vị Annam Latinh còn có mục từ “kính tin” đồng nghĩa với “tin kính” nghĩa là “tin”. Thiết nghĩ các mục từ trong hai từ điển này giúp chúng ta hiểu mình đọc câu Kinh với thái độ nào.
– Về đại từ “tôi”: Trong tất cả các Kinh được soạn từ khi đạo Công Giáo được truyền vào Việt Nam, có hai đại từ được sử dụng chính trong các Kinh là: -Đại từ chỉ “Chúa, Đức Chúa” đã giải thích trong Kinh Sáng Danh và -Các đại từ chỉ người theo đạo, người đọc Kinh là “tôi, chúng tôi”. Từ “tôi, chúng tôi” có nghĩa rất phù hợp với các lời Kinh. Trong Từ điển Việt-Bồ-La có hai lần tác giả nêu mục từ “tôi” với nghĩa là “tôi, bầy tôi, đầy tớ”, lần nào tác giả cũng chú thích thêm đó là “nói cách khiêm hạ. Tự vị Annam Latinh chỉ có một mục từ “tôi” với nghĩa là “tôi, đầy tớ, kẻ bề dưới tự xưng mình như thế, tôi tớ, bề tôi”. Như vậy, nghĩa cổ của từ “tôi” là nghĩa biểu thị sự khiêm hạ và tỏ lòng tôn kính người đối thoại một rõ ràng và đặc biệt.
Có lẽ từ khi tiếp xúc rộng rãi với ngôn ngữ văn hóa Châu Âu, các nét nghĩa cổ của “tôi, và chúng tôi” trong văn hóa Việt Nam đã biến mất. Thay vào đó từ “tôi” trong tiếng Việt hiện đại đã mang nét nghĩa là “từ cá nhân dùng để tự xưng với người ngang hàng hoặc khi không cần tỏ thái độ tình cảm gì”. Nghĩa này hoàn toàn không phù hợp với tâm tình và nghĩa của các lời Kinh. Vì thế, với thời gian đại từ “tôi” trong các Kinh được sửa lại thành “con”, “chúng tôi” được sửa lại thành “chúng con” để cho phù hợp tiếng Việt hiện đại.
Hiểu được nét nghĩa lịch sử của từ “tôi, chúng tôi”, chúng ta dễ đón nhận một số văn bản của đạo Công Giáo in đã quá cổ xưa mà đôi khi vẫn được dùng để đọc nơi chung. Nếu gặp từ “tôi, chúng tôi” trong bối cảnh này, chúng ta đừng vội hiểu theo nét nghĩa hiện đại và đón nhận chúng với nét nghĩa cổ của chúng.
Tuy nhiên, trong tất cả các Kinh vẫn còn có Kinh Tin Kính và Kinh Thú Nhận đại từ “tôi” được giữ lại. Theo thiển ý và theo cách hiểu mạo muội của cá nhân, việc giữ lại đại từ “tôi” trong hai Kinh này hẳn Giáo hội Việt Nam cũng không muốn xóa đi nét nghĩa cổ của đại từ này là tâm tình xứng hợp khi đọc hai Kinh ấy. Thêm vào đó Giáo hội cũng muốn nhấn mạnh việc tuyên xưng đức tin và việc nhìn nhận tội lỗi đó là việc mỗi cá nhân phải đích thân xác quyết mạnh mẽ, và phải được công bố lớn tiếng “tôi…” (tôi tin kính…, tôi thú nhận…).
– Trong Kinh này có cụm từ “ngục tổ tông” thật là khó hiểu và khó giải thích, vì ngoài nghĩa từ ngữ nó còn mang nghĩa thần học tín lý. Trong giới hạn của tập sách, tôi chỉ dừng lại ở việc giải thích từ ngữ. Từ điển Việt-Bồ-La giải thích “ngục” nghĩa là “nhà giam”. Tự vị Annam Latinh có mục từ “tổ tông” đồng nghĩa với từ “tổ tiên”, nhưng trong ngữ cảnh này từ “tổ tông” phải được hiểu là gồm những người từ Adam – Eva cho đến Chúa Giêsu. Chúng ta có thể hiểu nôm na cụm từ “ngục tổ tông” là nơi giam cầm những người công chính đã chết trước khi Chúa Giêsu đến. Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đem Tin Mừng cứu độ cho các linh hồn bị giam cầm nơi “ngục tổ tông” đó (x.1Pr 3,18-19).Một cách dùng hình ảnh “ngục” (nơi giam giữ) để nói về tình trạng của những người ăn ngay ở lành đã chết trước khi được Chúa Giêsu cứu chuộc bằng màu nhiệm chết và phục sinh của Chúa đó là: Nhiều nhà thờ xưa ở Hy Lạp, Thổ nhĩ Kỳ và Trung Đông vẽ cảnh Chúa Giêsu Phục Sinh ra khỏi mồ, một tay dắt ông Adam, một tay dắt bà Eva vào cõi sống, như Chúa hứa với người trộm lành: “Ngay hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).
– Trong Kinh này có các cụm từ “bởi trong kẻ chết mà sống lại”, “bởi trời”. Tiếng Việt hiện đại giải thích từ “bởi” là “kết từ chỉ nguyên nhân”, nghĩa này không hợp với nghĩa của lời Kinh. Từ điển Việt-Bồ-La giải thích từ “bởi” với nét nghĩa chỉ không gian, nghĩa là “từ”. Từ điển có thêm các mục từ “bởi đâu” nghĩa là “từ đâu”; “bởi đâu mà về” nghĩa là “từ đâu mà về”. Với các mục từ này chúng ta có thể hiểu các cụm từ “bởi trong kẻ chết mà sống lại”, “bởi trời” cách dễ dàng: “bởi trong kẻ chết mà sống lại” nghĩa là “từ trong kẻ chết mà sống lại”, “bởi trời” nghĩa là “từ trời”.
– Câu “Tôi tin các Thánhthông công”: từ “thông công” thật là khó hiểu. Từ điển Việt-Bồ-La có mục từ “thông công” được cha Đắc Lộ giải thích là “sự thông công, sự thông hiệp của các thánh”. Tác giả Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích “thông” nghĩa là “chung”, “thông công” nghĩa là “công chung”.Theo Giáo Hội Công Giáo, Tín Điều “Các Thánh thông công” có ý nói lên niềm tin vào sự liên lạc siêu nhiên mật thiết, sống động bằng sự thông chia công phúc giữa các phần tử trong Giáo Hội lữ hành với các Thánh trên trời và với các linh hồn ở luyện ngục. Vì chính bởi mối liên hệ mật thiết giữa các Thánh, chúng ta và các linh hồn ở luyện ngục, mà chúng ta mới có thể xin lễ, làm việc lành, cầu nguyện cho nhau được, và mới có thể nhờ công nghiệp của nhau được! Hành động này được gọi là “thông công”.
6. KINH THÚ NHẬN
Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng, và cùng anh (chị) em: tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗitại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.
Vì vậy tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các thiên thần, các thánh và anh (chị) em khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Amen
– Khi đọc Kinh này nhiều bạn trẻ đã thắc mắc với tôi: “Tại sao trong Kinh này khi thú nhận với Chúa và mọi người thì đọc ‘Tôi đã phạm tội nhiều…’, nhưng khi đấm ngực thì lại đọc ‘Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi…’ Phải chăng có sự khác biệt về hành động ‘thú nhận’ này, khi ‘thú’ thì nói đến ‘tội’ còn khi ‘nhận’ thì chỉ nhận ‘lỗi’?”.
Xin thưa, trong tiếng Việt hiện đại hai từ “tội” và “lỗi” ở hai mức độ sai phạm khác nhau. “Tội” là điều nặng, đối với người có đạo là phải đi “xưng tội” có khi phải chịu hình phạt; còn “lỗi” là những thiếu sót, những sai phạm nhỏ trong cuộc sống, chỉ cần nói lời xin lỗi là được. Tuy nhiên, nếu chúng ta phạm tội hay chúng ta mắc lỗi thì điều quan trọng là chúng ta đều cần phải sửa đổi.
Trong tiếng Việt cổ, từ “tội” nghĩa là “tội”, nhưng từ “lỗi” ngoài nghĩa là “sự lầm lỗi” nó còn mang nét nghĩa là “tội”. Tự vị Annam Latinh ghi nhận ở mục từ “lỗi” nghĩa là “sai lỗi, sự sai lỗi, tội lỗi”. Cũng vì nét nghĩa này mà chúng ta có từ ghép hội nghĩa “tội lỗi” đều chỉ về “tội”, từ ghép này có nét nghĩa chung hơn và mạnh hơn.
Có lẽ vì không muốn lặp lại từ “tội” làm cho câu Kinh đơn điệu mà các soạn giả đã dùng từ thay đổi giữa “tội” và “lỗi” để cho phong phú từ ngữ hơn. Tuy nhiên, với thời gian thì nghĩa của hai từ này đã làm cho câu Kinh khó hiểu hơn. Vì thế chúng ta cần hiểu từ “lỗi” với nét cổ của nó để ý nghĩa của câu Kinh trọn vẹn đầy đủ hơn.
7. KINH SÁNG SOI
Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.
– Trong Kinh này chúng ta gặp từ “sáng soi”, đây là từ ghép đẳng lập hội nghĩa “sáng” nghĩa là “làm cho tỏ, làm cho rõ”; “soi” cũng có nghĩa là “làm cho thấy rõ”; hai từ ghép lại thành từ ghép làm cho nghĩa của từ mạnh hơn. Tự vị Annam Latinh có mục từ “sáng soi” nghĩa là “chiếu sáng”, tác giả giải thích từ “sáng soi” được dùng nói về Thiên Chúa và về mặt trời mà thôi. Xin Chúa “sáng soi” nghĩa là xin Chúa “chiếu sáng để chúng con thấy rõ” điều chúng con đang cần thấy.
8. KINH THÁNH THIÊN THẦN BẢN MỆNH
Con thân Đức Thánh Thiên Thần, tính thiêng liêng sáng láng, con cám ơn Đức Thánh Thiên Thần giữ con từ thuở mới sinh đến nay cho khỏi tay quỷ. Đức Thánh Thiên Thần là thầy con, mở lòng cho con biết được đạo thánh Chúa trời đất. Vì vậy con cầu cùng Đức Thánh Thiên Thần giữ con ban ngày,xem con ban đêm, cho đến trọn đời, kẻo ma quỷ dữ cám dỗ được con. Con lạy Đức Thánh Thiên Thần khẩn nguyện cho con thông minh sáng láng, giữ mười sự răn*, chừa mọi sự dữ, đến khi con lâm chung, xin cùng Đức Chúa Trời cho linh hồn con được lên ở cùng Đức Chúa Trời và Thánh Thiên Thần hằng sống vui vẻ đời đời chẳng cùng. Amen.
– Trong Kinh này chúng ta gặp câu mở đầu “Con thân Đức Thánh Thiên Thần…” Đây là câu đặc biệt với từ “thân”, từ này đã được giải thích trong Kinh Lạy Nữ Vương trước đây.
– “Đức thánh Thiên Thần là thầy con, mở lòng cho con…” Cụm từ “mở lòng” không có trong từ điển tiếng Việt hiện đại. Từ điển Việt-Bồ-La không có mục từ “mở lòng” nhưng có hai mục từ có ý nghĩa ấy. Mục từ “Đức Chúa Trời mở lòng”nghĩa là “Thiên Chúa lay động tâm hồn” và “Đức Chúa Trời mở lòng sáng láng”nghĩa là “Thiên Chúa soi sáng tâm hồn”. Tự vị Annam Latinh bổ túc cho Từ điển Việt-Bồ-La bằng mục từ “mở lòng” nghĩa là “soi sáng tâm hồn”. Câu Kinh nghĩa là Đức Thánh Thiên Thần soi sáng tâm hồn con, để con biết được đạo thánh Chúa, con cám ơn Ngài về điều ấy.
– “Đức Thánh Thiên Thần giữ con ban ngày, xem con ban đêm”: Từ “xem” trong tiếng Việt hiện đại có năm nét nghĩa: 1.Nhận biết bằng mắt; 2.Nhận định, đánh giá dựa vào quan sát; 3.Thường ở cuối câu, sau động từ…; 4.Kết hợp hạn chế (xem số, xem tướng…); 5.Coi là, coi như. Cả năm nét nghĩa này của từ “xem” trong tiếng Việt hiện đại đều không phù hợp với nghĩa của câu Kinh.
Đại Nam Quấc Âm Tự Vị ghi chú “xem” nghĩa là “coi” (trông coi); Từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giải thích “xem” nghĩa là “coi (coi sóc), để ý cho biết”. Nghĩa của câu Kinh, xin Thánh Thiên Thần gìn giữ con ban ngày, coi sóc con ban đêm, để ma quỷ không cám dỗ được con.
– Cụm từ “lâm chung” trong Kinh này đồng nghĩa với “lâm tử” trong Kinh Kính Mừng đã giải thích ở trên.
9. KINH LẠY THÁNH MẪU
Lạy Thánh Mẫu Maria là Mẹ rất nhân từ, Mẹ thông* ơn Chúa, xin chữa chúng con cho khỏi tay kẻ dữ, cùng xin ghé mặt thương xem trong thì*lâm tử*. Amen.
– Câu từ “Mẹ thông ơn Chúa” có từ “thông” là từ Hán Việt nghĩa là “chuyền khắp”. Từ điển Việt-Bồ-La có ba mục từ “thông”, mục từ hợp với Kinh này nghĩa là “truyền”. Hiểu đơn sơ câu này nghĩa là “Mẹ là Đấng chuyển ơn Chúa xuống cho chúng con”.
– Cụm từ “trongthìlâm tử” có từ “thì” đồng nghĩa với từ “thời” nghĩa là “lúc, giai đoạn, khoảng thời gian”; “thì” là cách phát âm của “thời”. Nghĩa nôm na của cụm từ này là “xin Mẹ để mắt trông nhìn đến con lúc con lâm tử (lúc con sắp lìa cõi đời này)”. Nói đến “thì” và “thời” chúng ta có thể nhớ đến hai câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu:
“Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời đức hạnh là câu trau mình”
Vì không hiều “thì” là “thời”, “thời” đồng nghĩa với “thì” mà các bạn trẻ khi “bình luận” câu thơ này đã không ngần ngại đặt vấn đề “trai thời là gì?”, “gái thời là gì ?”.
– Từ “lâm tử” đã được giải thích trong Kinh Kính Mừng.
10. KINH TRƯỚC KHI XÉT MÌNH
Lạy Chúa là sự sáng linh hồn con, xin soi sáng* cho con được biết mọi tội con đã phạm trong ngày hôm nay, hoặc lo*, hoặc nói, hoặc làm điều gì lỗi nghĩa cùng Chúa. Con lại xin Chúa vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu ban ơn cho con được ăn năn ghét tội, cùng dốc lòng chừa* thật. Amen.
– Trong Kinh này có cụm từ “hoặc lo, hoặc nói, hoặc làm” từ “lo” khiến cho câu Kinh khó hiểu. Từ điển Việt-Bồ-La có hai mục từ “lo” được giải thích là “suy tư” (hiểu theo nghĩa của câu Kinh là “tư tưởng” là những điều chúng ta nghĩ). Mục từ này cho chúng ta hiểu câu Kinh: “Xin soi sáng cho con được biết mọi tội con đã phạm trong ngày hôm nay, hoặc lo, hoặc nói, hoặc làm…” nghĩa là“Xin soi sáng cho con được biết mọi tội con đã phạm trong ngày hôm nay, hoặc là tội trong tư tưởng (lo), hoặc là tội trong lời nói, hoặc là tội trong việc làm”.
11. KINH PHÓ DÂNG
Lạy Chúa, con xin phó dâng* linh hồn và xác con ở trong tay Chúa, Chúa đã phù hộ* con ban ngày, thì xin Chúa cũng gìn giữ con ban đêm, kẻo saphạm tội gì mất lòng Chúa hay là chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Chớ gì sống chết con được giữ một lòng kính mến* Chúa luôn. Amen.
– Câu Kinh “Con xin phó dâng linh hồn và xác con ở tay Chúa”: Từ điển Việt-Bồ-La có hai mục từ “phó” (phú) nghĩa là “giao phó” và “phó” (phú) cũng có nghĩa là “tôi đã trao cho người ấy”. “Dâng” (dưng) “dâng một vật gì cho một người trang trọng”. Với các mục từ này chúng ta mới thấy việc đọc câu Kinh này thật ý nghĩa và đem lại lợi ích cho chúng ta. Chúng ta giao cho Chúa linh hồn và xác chúng ta đó là việc hoàn toàn xứng hợp, việc dâng này cũng có nghĩa là chúng ta tin tưởng Chúa làm chủ sinh mạng đời ta.
– Cụm từ “phù hộ”: Từ điển Việt-Bồ-La có ba mục từ “phù hộ” được giải thích như sau- 1.Đây là từ chỉ nói về Thiên Chúa, các thánh; 2.Giúp đỡ; 3.Bảo vệ.Ba mục từ này cho chúng ta thấy rõ việc Chúa chăm sóc và gìn giữ chúng ta, vì thế chúng ta tin tưởng “phó dâng cuộc đời chúng ta cho Chúa”.
Tác giả: Sr. Minh Thùy, OP.