Hằng ngày tai bạn có thể nghe được muôn vàn âm thanh phát ra từ nhiều nguồn khác nhau. Đối với tôi, âm thanh tíc tắc rất khẽ phát ra từ chiếc đồng hồ treo tường, mới thực sự là âm thanh cần quan tâm lắng nghe và để tâm suy nghĩ. Suy nghĩ không chỉ để hoạch định một chương trình cụ thể nhằm tránh sự lãng phí thời gian mà còn để cùng với từng giây phút của thời gian biến cuộc đời mình có ý nghĩa ngay hiện tại và cho cả tương lai.
Để ý quan sát bạn có thể nhận thấy chiếc kim đồng hồ chuyển động rất nhẹ nhàng và có vẻ rất yếu ớt, và nếu đặt nó lên bàn cân thì trọng lượng cũng chẳng đáng là bao. Mặc dù nhẹ nhàng và yếu ớt, nhưng mỗi cái nhích chuyển động của nó lại đủ sức xoay chuyển cả guồng máy khổng lồ là thế giới, trong đó có cuộc đời của bạn, của tôi, của tất cả chúng ta. Ta thử liệt kê một vài sự kiện để chứng minh “sức mạnh đáng sợ” của chiếc kim đồng hồ:
Mới ngày nào thân xác con người mới chỉ là phôi thai nhỏ đến nỗi phải soi bằng loại máy móc hiện đại mới có thể trông thấy được, và rồi phôi thai ấy phát triển thành bào thai nằm đơn côi trong dạ mẹ. Vậy mà, chỉ với những chuyển động rất nhẹ nhàng và đơn giản của chiếc kim đồng hồ kia mà nó đã kéo con người đến chỗ nằm đơn độc lạnh lẽo trong lòng đất. Một phôi thai bé nhỏ ngày nào trong dạ mẹ nay trở thành hạt bụi nhỏ bé trong lòng đất.
Mới ngày nào đó miệng con người cất tiếng khóc như nói lời “hello” và đôi tay ngoe nguẩy như vẫy chào thế giới mới, đôi mắt từ từ mở ra để lần đầu tiên ngắm nhìn thế giới kì diệu mà chưa thể hiểu gì về nó. Vậy mà, chỉ với những chuyển động rất nhẹ nhàng và đơn giản của chiếc kim đồng hồ kia mà nó đã kéo con người đến chỗ miệng ú ớ như muốn nói lời “goodbye” và đôi tay cố động đậy như để vẫy chào vĩnh biệt một thế giới, đôi mắt từ từ khép lại như thoáng nhận ra “tới bây giờ mới hiểu biết sự đời”.
Mới ngày nào đó con người chập chững tập bước đi những bước đầu tiên trong sự hân hoan không chỉ của riêng bản thân mà của cả những người thân bên cạnh. Vậy mà, chỉ với những chuyển động rất nhẹ nhàng và đơn giản của chiếc kim đồng hồ kia mà nó đã kéo con người đến chỗ cố lê những bước đi cuối đời mà “lòng nặng trĩu suy tư” không chỉ của bản thân mà của cả những người thân bên cạnh.
Mới ngày nào đó con người cố vắt óc để suy nghĩ, tính toán, dồn hết lực để chạy đua nhằm mục đích sắm “giường này tủ nọ”. Vậy mà, chỉ với những chuyển động rất nhẹ nhàng và đơn giản của chiếc kim đồng hồ kia mà nó đã kéo con người đến chỗ chỉ lắng lo sắm cho mình cái “bốn dài, hai ngắn”.
Vòng đời là vậy đó. Dù bạn muốn hay không thì thời gian vẫn không ngừng chạy, dòng đời vẫn chẳng ngừng trôi, rồi thân xác con người lại trở nơi mà từ đó nó đã được dựng nên. Thánh vịnh 49 câu 10-13 có nói:
Nào phàm nhân sống mãi được sao
mà chẳng phải đến ngày tận số?
Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,
kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,
bỏ lại tài sản mình cho người khác.
Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,
nhưng ba tấc đất mới thật là nhà,
nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.
Dù sống trong danh vọng,
con người cũng không thể trường tồn;
thật nó chẳng khác chi
con vật một ngày kia phải chết.
Trần gian này có vô vàn thứ hấp dẫn mời gọi ta, có quá nhiều “âm thanh” mà tai ta nghe được. Những thứ đó (triết học nói) đều mang tính hàm hồ (có thể đúng hoặc sai), chúng được sinh ra là để phục vụ nhu cầu của ta vì thế ta có quyền và có tự do để được nghe, để được tận hưởng, nhưng cũng hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về tự do của mình. Lắm lúc ta mải miết chạy theo sự đời, cố vểnh tai để nghe những “âm thanh mới lạ” mà quên đi tiếng ti tách của thời gian đang âm thầm kéo cuộc đời ta tới ngày chung cuộc. Thánh vịnh 90, câu 12 nhắc nhớ ta: “xin dạy chúng con biết đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan”. Đáp lời Thánh vịnh:
Thử nghĩ xem mục đích cuộc sống ở trần gian này là gì?
Xác thịt rồi sẽ trở về với bụi đất, còn linh hồn sẽ về đâu?
Xác thịt từ bụi đất mà ra và lại trở về với bụi đất, như vậy là xác thịt đã hoàn thành tốt cuộc hành trình của nó. Còn linh hồn, nếu không trở về với Đấng mà từ đó linh hồn đã được phát xuất thì quả thực linh hồn đã bị “lạc đường”! Kết hợp với Chúa để sống tốt bằng cách làm nhiều việc lành, những việc lành đó sẽ là những vết tích, là những cột mốc mà ta đã đánh dấu trên đường đi, chúng sẽ hướng dẫn ta trở về với Chúa mà không bị lạc đường.
Suy niệm mùa vọng năm 2014
Giuse Nguyễn Văn Chính