BA CHỮ “S” ĐỜI DÂNG HIẾN


+ Giuse Vũ Duy Thống.

Đọc Huấn thị “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô” nhân dịp kỷ niệm năm năm ban hành.

Tình cờ gặp lại mấy người nước ngoài ghé thăm Việt Nam, tôi đùa: “Chắc trốn bệnh SARS ở Hongkong nên mới trôi dạt tới đất nước hình chữ S này?” Họ cười và trả lời: “Trốn một chữ S, nhưng đến Việt Nam lại gặp được ba chữ S tuyệt vời. Đó là “Sand, Sea, Sun” không chê vào đâu được”.

Thấy ngồ ngộ, tôi ghi nhận. Và hôm nay, nhân dịp kỷ niệm năm năm ban hành Huấn thị “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitoâ” (19.05.2002 – 19.05.2007), xin được chia sẻ về ba chữ S gặp thấy trong Huấn thị này. Hy vọng nếu có ba chữ S đã thu hút du khách tới Việt Nam, thì cũng có ba chữ S thu hút những người sống đời dâng hiến đến với những bước dấn thân mới.

Ba chữ S đó là: – Say mê Đức Kitô – Sống đời hiệp thông – Sẵn sàng chèo ra chỗ nước sâu.

I. SAY MÊ ĐỨC KITÔ

Tự căn bản ơn Thánh Tẩy, mỗi người ý thức hay không ý thức, ý thức nhiều hay ít, đều là người nhà của Đức Kitô. Vì thuộc tính Kitô này mà người ta được mang danh “Kitô hữu”, nghĩa là không chỉ thuộc về Đức Kitô, mà còn hướng về Đức Kitô và tìm về Đức Kitô nữa.

1. Thuộc về Đức Kitô

Trước hết, khởi đi từ bí tích Rửa Tội, Kitô hữu trong ơn gọi phổ quát cho hết mọi người không phân biệt giống phái, là người thuộc về Đức Kitô. Tự bản chất, Kitô hữu là như thế. Nhưng hơn nhau ở chỗ có biết làm cho danh xưng ấy được rạng rỡ nơi đời sống của mình hay không. Không biết danh xưng khác như thế nào, chứ “Kitô hữu” là một danh xưng cơ bản, có trước tất cả mọi danh xưng trong nhịp sống Giáo Hội. Trước khi là tu sĩ người ta đã là Kitô hữu, trước khi là linh mục người ta đã là Kitô hữu, trước khi là giám mục người ta đã là Kitô hữu. Tất cả mọi danh xưng khác sẽ có cùng với danh xưng Kitô hữu hoặc sẽ không có gì cả.

Do đó, tìm lại ý nghĩa căn bản tức là một cách nào đó về nguồn, tìm lại chính suối nguồn của mình, và đây là một cơ may để giúp những ai sống đời thánh hiến tìm lại nét xuân trẻ cuộc sống tâm linh.

Huấn Thị “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô” mời gọi mọi người trước hết xuất phát lại từ đặc tính “thuộc về Đức Kitô”.

Tìm lại ý nghĩa căn bản này là một thái độ trút bỏ những điều cồng kềnh để chỉ giữ lại ý nghĩa nguyên tuyền nhất. Ví dụ việc đào luyện trong một hội dòng được tổ chức cách lớp lang qua các giai đoạn với nhiều lần ‘sinh đi sinh lại’: từ ứng sinh, thỉnh sinh, tiền tập sinh, tập sinh rồi mới đến khấn sinh. Ít nhất phải năm lần sinh tới sinh lui mới trở thành một tu sĩ. Như thế, ai cũng phải sinh lại nhiều lần, rồi từ từ mới thấy mình rõ hơn trong cương vị là người phục vụ Đức Kitô.

2. Hướng về Đức Kitô

Nhưng nơi đời thánh hiến, cách riêng những người đã khấn, đã chọn Đức Kitô làm lẽ sống đời mình, người ta còn phải hướng về Đức Kitô nữa. Bởi lẽ bất cứ điều gì mình thực hiện hôm nay, nếu không tìm gặp chiều dài hay chiều sâu nội tâm cần thiết, thì chỉ là công việc của con người và chỉ là nỗ lực của một thời mà thôi. Nhưng khi hướng về Đức Kitô, gặp được khởi đầu và cùng đích là Người, lúc đó sinh hoạt của mình mới có giá trị, cho dù sinh hoạt đó có nhỏ bé và âm thầm, nó vẫn mang một giá trị Kitô, hay nói theo ngôn ngữ nhà đạo, nó mang một giá trị cao vượt, giá trị đời đời.

Ngày xưa người ta có khuynh hướng tách biệt con đường cầu nguyện chiêm niệm với con đường say mê hoạt động. Thế nhưng, hôm nay dù những cộng đoàn có ơn gọi đặc biệt theo một trong hai con đường này vẫn phải dung hòa cả hai theo cùng một hướng Kitô. Có Matta thì cũng phải có Maria, để làm đẹp lên một lẽ sống, dù im lặng ngồi dưới chân Chúa không nói gì chỉ biết
lắng nghe như cô Maria, thế mà lại là phần tốt nhất. Nhưng nếu ai cũng chọn vòng trong là phần tốt nhất, thì ai sẽ là người lo liệu vòng ngoài như cô Matta?

Do đó, khi đã hướng về Đức Kitô, dù được phân công hiện diện ở con đường nào, mình vẫn cứ an tâm đi theo. Đức Kitô là lẽ sống. Hướng về Đức Kitô để tìm cho bất cứ đường lối sinh hoạt nào của cộng đoàn một ý nghĩa Kitô, đó là đi vào đời sống thánh hiến một cách dung dị nhưng đồng thời lại rất vững bền.

Cách riêng đối với từng người, khi qua những nhịp cầu cheo leo, nếu biết hướng về Đức Kitô dù với bàn tay đưa lên rất yếu đuối, vẫn gặp được cánh tay “quan phòng” kéo lên hay đẩy tới từ phía sau. Ý thức mình chỉ là hạt cát nhỏ bé trong vũ trụ bao la, đó là khởi đầu cảm nghiệm niềm hạnh phúc hướng về Đức Kitô của đời hiến dâng.

3. Tìm về Đức Kitô

Trước những vấn đề mới của thời đại, ta được mời gọi để tìm về Đức Kitô trong những địa chỉ sự sống, ở đó, Đức Kitô xuất hiện như lương thực nuôi dưỡng đời dâng hiến. Trong Huấn thị, tác giả nhắc đến ba địa chỉ truyền thống. Tìm về những địa chỉ này là tìm được sự sống mới cho bản thân trong tư cách cá nhân hay trong tư cách cộng đoàn.

Địa chỉ thứ nhất là Lời Chúa (số 24). Trên báo Tuổi Trẻ, khi nghệ sĩ ưu tú Thế Anh được phỏng vấn: “Tại sao trải qua mấy chục năm mà vẫn bám trụ được với nghề điện ảnh?” Ông trả lời bằng một câu đầy ấn tượng: “Phải suốt đời đọc, suốt đời học, suốt đời quan sát và suốt đời tổng hợp”. Từ “suốt đời” được hữu ý sử dụng bốn lần khiến ta bất giác nghĩ tới đời sống tu trì. Như thế, đối với Lời Chúa, mình cũng phải có thái độ “biết đọc, biết học, biết quan sát và biết tổng hợp”, nghĩa là biết lắng nghe và thực hành. Lời Chúa là nguồn mạch sự sống, tìm về nguồn mạch này đòi buộc ta phải hòa mình vào Lời của Chúa để kiếm tìm lương thực nuôi thân. “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4).

Địa chỉ thứ hai là bí tích Thánh Thể (số 26). “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống” (Ga 6, 55). Trong Đông y có nguyên tắc “ăn gì bổ nấy”. Không biết đúng sai. Muốn bổ óc thì ăn óc, nhưng muốn bổ tóc thì ăn gì? Tuy nhiên nguyên tắc này lại đúng tuyệt đối trong trường hợp bí tích Thánh Thể. Ăn Mình Máu Chúa Kitô thì bổ “chất Kitô” nơi chính bản thân trong tư cách là chi thể của Chúa Kitô. Giáo Hội khai triển ý nghĩa này trong môn Giáo Hội Học. Khi nói Giáo Hội là thân mình Đức Kitô, ta được mời gọi để tìm về bí tích Thánh Thể. Thánh Thể làm nên Giáo Hội và Giáo Hội lại là một nhiệm tích làm nên Thánh Thể. Đây là hai cực của cùng một chủ đề duy nhất là sự sống Chúa Kitô. Ngày nào Giáo Hội còn, ngày đó bí tích Thánh Thể vẫn còn chỗ để hiện diện; và ngày nào bí tích Thánh Thể còn được tôn vinh ở trong lòng những người yêu mến thì lúc ấy tính Giáo Hội sẽ rạng rỡ qua những sinh hoạt dựng xây.

Địa chỉ thứ ba là ý Cha qua hình ảnh “Chúa Kitô bị bỏ rơi trên Thập Giá” (số 27). Ý Chúa là cây chiều dọc, ý mình là cây chiều ngang. Thánh giá xuất hiện khi “ý Chúa – ý mình” gặp nhau tại tâm điểm là trái tim quảng đại. Chúa Giêsu đã nói minh nhiên rằng: “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Ga 4, 34). Ý Chúa là nguyên liệu, mỗi người có thể chế biến cùng với kinh nghiệm để vừa với khẩu vị của mình. Nhưng ý Chúa khác ý mình lắm. Chính khi đảm lĩnh cái “khác biệt” đó, người ta mới thấy hương vị của lương thực ý Chúa trong đời mình thế nào. Những khi bề trên không hiểu ý mình và những khi thiện chí của mình bị thiện chí của người khác làm chừng lại. Lúc ấy ý Chúa khó biết bao đến nỗi vòng tay của mình có khéo cách mấy cũng không ôm gọn hết được; nhưng vượt qua được khúc quanh ấy, ta sẽ hiểu lương thực sự sống ở trong ý Chúa mạnh mẽ đến mức nào.

Tóm lại cho điểm thứ nhất “say mê Đức Kitô”, Huấn Thị có câu gợi ý là “hãy tìm lại tình đầu”. Nếu như tình đầu có sức gắn bó không thể nào quên nhưng đã bị mờ đi theo lớp bụi thời gian, thì đây là lúc phủi đi lớp bụi ấy, tìm lại tình đầu, tìm lại nét xuân trẻ đời dâng hiến, tìm lại hương vị tươi mới của mùa xuân. Như trong bài hát “Chúa Cất Tiếng Gọi Con” của Việt Khôi, có câu: “Đây bao tâm tình yêu dấu, nguyện dâng hiến mãi như lần đầu”. Mỗi lần khấn lại, khấn trọn đời, kỷ niệm Ngân khánh, Kim khánh… người ta như trở lại tình đầu của mình.

II. SỐNG ĐỜI HIỆP THÔNG

Trong Huấn Thị “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô”, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói đến nền linh đạo hiệp thông (số 28). Nền tảng của linh đạo hiệp thông này không phải là điều gì khác ngoài mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa tỏ cho biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất trong một gia đình Ba Ngôi, nên Ngài là cội nguồn và khuôn mẫu cho mọi hiệp thông. Ngày hôm nay tất cả mọi người dấn bước trong đời thánh hiến cũng được mời gọi để hành trình trên đường hiệp thông.

Hiệp thông với cộng đoàn dòng tu

Người ta bảo: “Tu là cõi phúc”, nhưng “phúc” này không phải là thứ phúc “như không mà có hoặc có cũng như không”, mà ngược lại phải dựng xây chắt chiu kiếm tìm. Hạnh phúc đời tu là hạnh phúc xem ra có nhiều chỗ mong manh nghĩa là ngày nào mình cũng phải củng cố. Nếu mình biết gia cố đúng mức thì đó là cõi phúc thật, vì mối giao hảo giữa anh chị em với nhau luônlà một mối tình cần đến chữ tín. Một số người, tự nhiên ngay bước đầu gặp gỡ đã có thiện cảm; trong khi một số khác, phải đi từ hai đến ba bước mới hiểu được thiện ý. Do đó, cần khám phá những điểm đẹp nơi nhau để dễ dàng xây dựng hạnh phúc đời tu.

Trong bộ phim Hàn Quốc “Giầy Thủy Tinh” được chiếu trên HTV7 cách đây ít lâu, truyện cô bé mồ côi phải ở nhờ trong gia đình người khác, người ta gặp được một triết lý sống nhân hậu, qua lời của cô bé: “Chính khi buồn nhất, mình phải cười lên, không chỉ để vượt lên số phận mà còn để người xung quanh không phải lo lắng về mình”. Trong cộng đoàn cũng thế, nếu ai cũng biết vượt lên bản thân mình, nhất là biết rạng rỡ nụ cười để người khác không phải lo buồn, thì từ những sợi chỉ rất đơn giản mong manh ấy, mình đang góp phần dệt nên tấm áo hạnh phúc. Thánh Têrêsa Hài Đồng hình như cũng khai triển ý tưởng đơn sơ này trong con đường thơ ấu thiêng liêng của ngài. Rầu thúi ruột, nhưng ngài quyết tâm giữ nụ cười để khỏi làm buồn lòng Chúa, hay như chính kiểu diễn tả của ngài là “đánh lừa” không cho Chúa biết mình buồn.

Trong Huấn Thị “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô” có nói đến chữ “đối thoại”, thiết nghĩ cũng là một chữ phổ biến cho bất cứ ai, đó là chấp nhận những cái khác biệt của nhau. Đừng bao giờ đẩy cái “khác nhau” thành cái “khắc nhau”. Nếu ai cũng giống ai thì chẳng còn gì hấp dẫn, nhưng bởi vì ai cũng khác ai nên mới cần đến nhau. Chính trong cái “cần đến nhau” ấy, mình sẽ tự luyện và được hỗ trợ ơn thánh để tương trợ nhau. Có những cây tre biết nép mình trong bóng tối để cho những chồi măng mọc lên. Mặc dù nép mình như thế nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc khi biết cả cụm tre đang rạng rỡ hơn. Đó là nét đẹp của đời dâng hiến.

Bởi vì hiến là hiến những gì thiết yếu, và dâng là dâng những gì thiết thân, nên hiến dâng luôn luôn đụng chạm đến cái thiết thực của mình. Chìa khóa biến cái khác biệt thành cái hỗ trợ hệ tại việc chỉ nhìn những cái khác biệt theo nghĩa tích cực và bổ sung. Vì thế, hiệp thông trước hết là hiệp thông với chính cộng đoàn của mình. Đây là cách diễn tả hiệp thông đẹp nhất và cũng cụ thể nhất. Không chỉ là chuyện tử tế mà còn là chuyện thực tế.

2. Hiệp thông với địa bàn dâng hiến

Nếu hiệp thông với đời sống cộng đoàn là chìa khóa mở vào hạnh phúc hiến dâng, thì hiệp thông với địa bàn dâng hiến xung quanh sẽ là một dấu chỉ khả tín, cũng là một tiếng nói đẹp cho hạnh phúc đời tu. Năm 1948 khi Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội (Conseil Oecuménique des Eglises) triệu tập Đại Hội Thế Giới lần đầu tiên ở Amsterdam, người ta đã băn khoăn là có nhiều Giáo Hội Tin Lành cùng rao giảng về Chúa Kitô, nhưng lại không thể đồng hành bên nhau. Băn khoăn ấy xem ra vẫn còn. Chia rẽ là một gương mù và cản trở lớn nhất, thế nên “hiệp thông” đã trở thành lời gọi cấp bách hơn cả bao giờ. Chả thế mà trước lúc chia tay với các môn đệ để bước vào đường Thương khó, Chúa Giêsu đã khẩn khoản nài xin Chúa Cha “cho họ nên một để thế gian tin” (Ga 17, 21).

Địa bàn xung quanh có thể là các hội dòng cùng chia sẻ với hội dòng mình một thao thức tâm linh hay một trăn trở mục vụ. Người ta bảo thử hỏi Chúa xem có bao nhiêu dòng nữ, chắc Ngài cũng chịu thua luôn. Ngay tại các Giáo Phận Việt Nam, cách riêng tại Sài Gòn, nhất là trong những dịp lễ lớn tại Nhà thờ Đức Bà, phải thú nhận là vô cùng khó khăn nếu muốn gọi tên một hội dòng qua sắc màu tu phục. Trăm hoa đua nở. Đa dạng bội phần. Nhưng cũng chính vì tính đa dạng ấy nhiều khi đã dẫn tới tình trạng đa đoan, đa phức. Có lẽ hơn lúc nào hết, hình ảnh hai cô Matta và Maria lại trở về để nói lên sự cần thiết của những cách hiện diện khác nhau, cần đến nhau, làm phong phú cho nhau. Matta và Maria trong cách viết của tiếng Việt hôm nay đều giống nhau ở chỗ kết hợp bởi năm mẫu tự, trong đó có ba mẫu tự giống nhau (MAA) tượng trưng cho ba lời khuyên Phúc Âm dòng nào cũng giống dòng nào, nhưng lại có hai mẫu tự khác nhau (TT, RI) biểu trưng cho những đặc sủng mỗi dòng có riêng cho mình. Hiểu nhau ở những chỗ tương đồng, và thương nhau ở những điểm khác biệt đôïc đáo. Đó là hiệp thông.

Địa bàn xung quanh cũng có thể là nơi mình được sai đi. Được sai đi là chấp nhận có ai đó đã sai mình lên đường và mình phải lệ thuộc vào đó mới đẹp được dáng đứng hiến dâng. Ai đó có thể là Bề trên, là hội dòng, nên nơi mà mình được sai đến và những người ở nơi đó sẽ là gia đình mình, sẽ là người nhà mình và sẽ là niềm hạnh phúc của tâm hồn mình.

Đối với những ai đã hết mình sống với điều này sẽ thấy rõ. Khi ta ở, ta vẫn sống dung dị như tất cả mọi người, dầu có phải “khoái ăn sang, sáng ăn khoai”, nhưng khi được đổi đến chỗ khác ta mới thấy quyến luyến, nghe sao “đất bỗng hóa tâm hồn”. Đất không còn là địa chỉ hộ khẩu thường trú nữa mà đã trở nên phần đời mãi nhớ như một cõi đi về. Người trẻ sẽ nghĩ về nơi mình đã đến trong sứ vụ như một kinh nghiệm tích cực, còn người trọng tuổi hơn sẽ nhớ về những tháng năm cống hiến ấy như những chất liệu đích thực của kinh nguyện sớm hôm.

Như thế, hết mình với địa bàn mà mình được sai đến cũng chính là hết tình trong cách sống mối hiệp thông.

3. Hiệp thông với Đấng Bản Quyền

“Bản quyền” được hiểu là Giám Mục Giáo Phận. Dù tu sĩ không phải khấn với Đấng Bản Quyền, mà chỉ khấn dưới sự chứng kiến của Đấng Bản Quyền thôi, nhưng cũng làm sáng lên ýnghĩa Giáo Hội học trong ơn gọi đời thánh hiến. Dù mỗi hội dòng đã tìm được con đường riêng trong nhịp sống thánh hiến, với đặc sủng ơn gọi họ đã lựa chọn, nhưng vẫn cứ là thành viên của một Hội lớn hơn tức là Hội Thánh.

Trong Huấn thị “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô”, Đức Giáo Hoàng mời gọi mỗi người hãy định vị mình trong cái tổng thể lớn hơn này, đó là đại gia đình Giáo Hội để nhận ra đoàn sủng đã trở nên đặc sủng của dòng mình. Ơn gọi đời thánh hiến là như thế này: phải là tinh thần sống hơn là cụm dân cư. Khi mình chỉ co cụm lại trong sinh hoạt cộng đoàn mà quên đi nhịp sống mục vụ của Giáo Phận nơi mình có cơ sở, thì đó là dấu hiệu thiếu hiệp thông. Khi mình trở thành một thứ ốc đảo nguyên tuyền trong sáng “sạch và xanh” đối nghịch hẳn với sự lam lũ của giáo xứ lao động nông nghiệp quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, thì đó lại là dấu hiệu yếu hiệp thông. Nhưng khi tinh thần tự sản tự tiêu, tự chủ tự đủ lên cao đến nỗi chẳng cần đến ai ngoài Chúa, thì quả thật hiệp thông đã trở nên khác lắm. Chính vì cái khác ấy mà có mục nhắc nhở “Hiệp thông với Giám Mục” (số 32).

Đối với Việt Nam chúng ta, tính hiệp thông nói chung vẫn rõ nét và vẫn dễ đọc nơi nhịp sống của ơn gọi đời thánh hiến. Tuy nhiên như “mưa giông rải rác một vài nơi”, đã thấy có những dấu hiệu đáng ngại. Có thể xem là dấu hiệu đáng ngại khi một dòng có nhà trong một giáo phận mà không chấp hành đầy đủ quy định mục vụ của giáo phận. Cũng có thể xem là dấu hiệu đáng ngại nữa khi một đặc ân mục vụ đáng lẽ chỉ dành cho những trường hợp giới hạn của dòng, lại được áp dụng phổ biến như thể luật chung. Còn nhiều nữa. Nhưng quan trọng là ghi nhận: hiệp thông trước hết là hiệp thông với Giáo Hội địa phương là giáo phận và cụ thể hơn là Đấng Bản Quyền Giáo Phận ấy. “Ở đâu có Giám Mục, ở đấy có Giáo Hội”.

Tóm lại, hiệp thông để cổ võ linh đạo “như thể thương thân”. Ý thức mình là một phần trong Thân Mình của Chúa Kitô, nên hương nhau: thương anh chị em nhà, thương địa bàn xung quanh, thương đến nhịp sống chung của giáo phận. Đây là những thành viên của gia đình mình.

“Cái nhà là nhà của ta”, ở đó, mình có thể chung vui khi thành công, cảm thông khi thất bại, đi lại khi cần và luôn gần ngay cả trong những khi cùng cực nhất. Chia sẻ với nhau được. Từ trái tim đến trái tim. Hội Thánh là như thế và một khi đã trở thành linh đạo tức là trở thành con đường tâm linh, con đường được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, thì sẽ trở thành mạch sống của mình.

Nếu trước khi quyết định điều gì mà nghĩ đến tinh thần hiệp thông thì đời sống sẽ hạnh phúc lắm và xem ra không gì có thể đe dọa niềm hạnh phúc này được.

III. SẴN SÀNG CHÈO RA CHỖ NƯỚC SÂU

Đây là hướng nhìn Truyền Giáo Học. Hiệp thông là kết quả của truyền giáo, và truyền giáo xét cho cùng là để hiệp thông. Khi mình hiệp thông với Chúa, với anh chị em là để người khác tin; và khi truyền giáo cho người khác, mình lại dẫn họ đến với hiệp thông. “Hiệp thông để truyền giáo và truyền giáo để hiệp thông”.

Một điều lưu ý là mặc dầu ở đây Chúa bảo các môn đệ chèo ra chỗ nước sâu để thả lưới (Lc 5, 4), nhưng trong một lần khác Người còn bảo các ông phải thả lưới bên phải của con thuyền. Đại dương mênh mông, con thuyền bé nhỏ, việc thả lưới bên trái hay bên phải thì có khác gì nhau, nhưng Chúa bảo phải thả lưới ở bên mạn phải con thuyền kìa. Chỉ khi nào buông lưới ở bên phải mới bắt được cá và cá không phải là một bầy cá nhỏ nhưng là rất nhiều cá lớn. Đó là chìa khóa để hiểu khi thả lưới xuống chỗ nước sâu.
Và ở đây, ta bỗng hiểu lý do tại sao Huấn Thị “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô” lại nhấn mạnh đến chữ “sẵn sàng”. Sẵn sàng chèo ra chỗ nước sâu bằng cách nào?

1. Rời xa bến bờ yên ả

Để chèo ra chỗ nước sâu người ta phải chấp nhận rời xa bến bờ bình an, ấm êm của một đời sống có những tập quán đủ đầy. Chỉ một thói quen nhỏ thôi cũng là thành phần nếp sống của mình, huống chi những tiện nghi hiện tại. Ngày xưa khi kinh tế còn khó khăn, “ăn bữa nay lo bữa mai” thì chẳng nói làm gì; nhưng ngày nay khi cuộc sống đã khá lên, dân chúng có của ăn của để, và nhà tu cũng “nước lên thuyền lên” sửa nhà sửa cửa trang bị trong ngoài đầy đủ thì vấn đề khó nghèo và sự dính bén của cải lại phải đặt ra. Mọi tiện nghi đời sống đều là phương tiện giúp ta phục vụ tốt hơn. Không ai chối cãi. Nhưng khi phương tiện đó trở thành dấu hiệu phản chứng so với lời khấn khó nghèo, thì lúc đó người ta phải làm một cuộc lựa chọn, biết rời xa những bến bờ ấm êm để vào sa mạc tâm hồn mà tìm gặp tình yêu đích thực cũng là lẽ sống hiến dâng.

Bến bờ yên ả của lòng mình là những tập quán “tìm kiếm hiệu năng và duy hoạt động”, trong khi lại xem nhẹ việc cầu nguyện. Không cầu nguyện không có sức sống. Chiếc cầu đẹp nhất là chiếc cầu làm bằng kinh nguyện: cầu nguyện. Ai cũng biết điều này rất rõ. Ngày hôm nay, có người nghĩ Giáo Hội chỉ nhắm vào hoạt động, làm như dòng nào hoạt động nhiều và để lại dấu ấn nhiều sẽ đóng góp nhiều cho Giáo Hội địa phương. Nhưng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói đây là một điểm nguy hiểm của thời đại. Ra khơi hoặc chèo ra chỗ nước sâu là biết ra khỏi những ý nghĩ thiên về hoạt động ấy.

“Đặt những dự phóng cá nhân cao hơn dự phóng của cộng đoàn” lại là một thứ bến nước khác phải rời xa. Khi cam kết sống trong hội dòng, mình vẫn còn mang thân xác của đời. Xóa đi không được. Nhưng phải mang thân xác ấy như thế nào, đó là cả một nghệ thuật trong đời dâng hiến. Để cho dự phóng cá nhân cao hơn lời mời gọi của cộng đoàn, đó là đi ngược chiều. Đặt dự phóng cá nhân ở dưới dự phóng chung, đó mới là phục vụ, là xóa mình, là khiêm tốn, là vâng phục, là dâng, là hiến.

2. Lướt đi bằng đôi mái chèo: truyền thống và sáng tạo

Huấn thị nói đến “một sự trung thành mang tính sáng tạo” trong số 18. Trung thành với ơn gọi, trung thành với tôn ý của Đấng Sáng Lập, nhưng đồng thời cũng phải hợp với tính sáng tạo của địa phương, của thời đại. Đó là hai bước chân của nhà truyền giáo, của người sẵn sàng không phải chỉ dấn thân nhưng còn biết hiến thân để phục vụ cho ơn gọi mình đã lựa chọn.

Nếu ngày xưa Giáo Hội lo rửa tội cho những người đã hoán cải để họ trở thành con cái Thiên Chúa, thì ngày nay xem ra Giáo Hội phải làm ngược lại, là lo hoán cải những người đã được rửa tội từ lâu rồi, nhưng không sống đạo, để họ tìm lại vị thế con cái Thiên Chúa sáng đẹp hơn. Từ ngữ “tái truyền giáo” mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II muốn nói ở đây mang ba nét mới: – một nỗ lực mới – một ngôn ngữ mới – một địa chỉ mới, như chiếc kiềng ba chân. Lịch sử Giáo Hội còn ghi lại nhiều đợt truyền giáo khác nhau, mỗi đợt đều là kết hợp nỗ lực chung của toàn thể Dân Chúa: các thừa sai bước ra tiền tuyến; hậu phương yểm trợ bằng lời kinh và bằng hy sinh. Nay cũng cần một nỗ lực mới như thế. Ngôn ngữ truyền giáo xưa kia là cho và nhận giữa nhà thừa sai và Dân Ngoại; ngôn ngữ thời nay là hợp tác song phương, truyền giáo bằng tầm ảnh hưởng, giới nào đem Chúa cho giới nấy, để cùng chung xây “văn minh tình thương”, phát huy “văn hóa sự sống”. Nếu phương cách rao giảng Tin Mừng truyền thống là trực tiếp thì ngày nay có thể sẽ linh động hơn thông qua con người, bởi lẽ “con người là con đường của Giáo Hội”.

Nếu truyền thống ơn gọi mỗi hội dòng vốn cần đến một sự trung thành mang tính sáng tạo, thì đây là lúc mở ra một nhãn giới lớn hơn, rộng hơn, đẹp hơn để giúp ta phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội cũng như ơn gọi hội dòng mình một cách hạnh phúc hơn.

3. Thả lưới chỗ nước sâu của thời đại

Ở chỗ khác trong Huấn thị, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc tới “thiên tài nữ tính” (số 9). Bao năm qua tại Ấn Độ đã trổi lên những vị anh hùng, nhưng chưa có ai dám táo bạo chèo ra chỗ nước sâu như Mẹ Têrêsa Calcutta. Nơi Mẹ, trái tim người nữ đã chứng minh được đặc tính “tái truyền giáo” của mình. Và nếu như Huấn Thị nói đến “thiên tài giới nữ” ở đây, thì có lẽ là vì Giáo Hội vẫn luôn trân trọng tất cả những gì Thánh Thần thổi đến trong nhịp sống hôm qua và cách riêng thời nay vốn được xem là thời đại của giới nữ. Giới nữ thường nhạy cảm hơn, mà trái tim càng nhạy cảm càng cung cấp cho Giáo Hội những sáng kiến truyền giáo phù hợp hơn với thời đại.

Cũng trong Huấn thị, người ta còn thấy chữ “nghèo” (số 36) với những nhấn nhá đặc biệt. Vẫn biết rằng từ xa xưa Giáo Hội đã nói tới chữ “nghèo” với nhiều trân trọng. Thánh Laurensô bán hết tài sản của Giáo Hội Rôma lúc bấy giờ để phân phát cho người nghèo, rồi dẫn họ đến trước hoàng đế và nói “Đây là tài sản của Giáo Hội”. Ngày nay, Thần học Tây phương nói rằng “người nghèo là bí tích của Thiên Chúa”, vì thông qua người nghèo người ta nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện ở giữa mình. Bí tích mà lại lem luốc như thế thì thật khó chấp nhận, nhưng nó là lý tưởng để vươn tới. Đức Giáo Hoàng đề nghị đón nhận thời đại như một ân ban và ân ban ấy đang thể hiện nơi những người nghèo. Nghèo về mọi mặt: nghèo về kinh tế, tri thức, nghèo về tôn giáo, nhân cách, nghèo hạnh phúc, nghèo tình thương… Nghèo không bao giờ đến một mình nhưng luôn luôn là một gia đình đi dắt dây dắt chùm với nhau. Nghèo thường lem luốc nên dễ bị gạt ra bên ngoài. Nghèo cũng là một gánh nặng vì thế nhiều khi ngay cả những người có tôn giáo cũng ngại chẳng muốn đụng đến làm gì. Chỉ tổ mệt!

Vậy ở chỗ nước sâu này, phải thả lưới thế nào? Tất nhiên là cung cấp cho họ Tin Mừng. Nhưng là Tin Mừng giải thoát ngay cả về mặt kinh tế để họ có cơm ăn áo mặc và cuộc sống ổn định, rồi từ đó phục vụ sự sống cho họ, bằng cách đẩy lùi và tẩy trừ “văn hóa sự chết”, vốn là kẻ thù không đội trời chung với “văn minh tình thương” (“văn hóa sự chết” / DEATH: Divorce, Euthanasie, Abortion, Total Birth Control, Homosexual union). Sẵn sàng gieo mình vào chỗ nước sâu như thế là chứng minh được rằng mình là con người nhiệt tâm việc đạo, thông thạo việc đời và tuyệt vời trong công trình bác ái.

Kết luận

Đó là ba chữ S trong đời dâng hiến đọc được trong Huấn thị “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô”: Say mê Đức Kitô – Sống đời hiệp thông – Sẵn sàng chèo ra chỗ nước sâu. Ba chữ S tất nhiên cũng âm vang trong nhịp sống của Giáo Hội cho mọi giới, nhưng cách riêng cho ai đi theo con đường thánh hiến. Con đường ấy, dù hoa mỹ ngoằn ngoèo như chữ S, vẫn là con đường Thiên Chúa dẫn đi trong niềm hạnh phúc làm con người và làm con Chúa giữa lòng thế giới hôm nay. Cũng nên ghi nhận: trong ba chữ S thì chữ S đầu tiên là quan trọng có vai trò quyết định tất cả. Hãy bỏ neo đời sống nơi chữ “Say mê Đức Kitô”, ta sẽ biết mình phải làm gì hoặc chèo đi đâu cho đẹp ý Chúa, cho vừa lòng Người. Và trong ý nghĩa này, đời tu đích thực là cõi phúc.

Trên trang báo Tuổi Trẻ, khi người ta phỏng vấn mấy bà nội trợ “Tại sao lại chọn dầu gội đầu Sunsilk?” hầu hết các bà đều trả lời là “muốn được trúng thưởng”. Ngày nay mọi cái thường có khuyến mãi và đó là chuyện bình thường của cuộc sống. Nhưng nếu mỗi người đều được đặt câu hỏi “Tại sao lại chọn Đức Kitô?” có lẽ mình sẽ không dám trả lời một cách thẳng thừng là “muốn được trúng thưởng” đâu, cho dẫu hậu ý vẫn là hy vọng được chia sẻ hạnh phúc trong sự sống đời đời. Ở đây câu trả lời nghiêm túc sẽ là: “Tôi chọn Đức Kitô vì chính Người. Thế thôi!”.