Xét con đường học vấn trong cuộc đời của tôi, từ lúc bắt đầu vào lớp 1 cho đến hết chương trình trung học phổ thông, rồi đến đại học, tôi đã hơn 10 lần tham dự lễ khai giảng năm học mới. Nhưng mãi cho đến hôm nay – ngày 06 tháng 09 năm 2014, tại trung tâm học vấn Đa Minh, một trung tâm thuộc Công giáo phục vụ việc đào tạo các ứng sinh linh mục – tôi mới được tham dự một lễ khai giảng thực sự có ý nghĩa.
Trong bài giảng lễ của mình, cha phụ tá bề trên giám tỉnh dòng Đa Minh có nhắc lại lời của một vị phụ huynh trong bài viết nhân ngày khai giảng năm học mới 2014 – 2015: “đến bao giờ mới hết những lễ khai giảng sáo rỗng?”, và từ đó ngài đã phân tích giúp mọi người hiểu vì sao các lễ khai giảng ở các trường phổ thông bên ngoài đều mang nghĩa xáo rỗng. Tôi đã từng là một học sinh trên ghế nhà trường của những năm học phổ thông, đã từng là một sinh viên trên giảng đường của những năm đại học, tôi đã từng hơn 10 lần tham dự lễ khai giảng năm học mới, và tôi cũng đồng quan điểm với vị phụ huynh kia, đồng quan điểm với cha giảng lễ hôm nay. Các lễ khai giảng ở các trường phổ thông bên ngoài từ trước tới nay hoàn toàn xáo rỗng bởi nó chỉ tưng bừng về màu sắc của băng rôn và khẩu hiệu, nó chỉ rộn ràng bởi tiếng kèn tiếng trống. Nó xáo rỗng bởi năm nào cũng vậy: hết báo cáo này đến báo cáo kia, hết quyết tâm này đến định hướng nọ, mà hầu hết cũng chỉ là báo cáo suông mang kiểu thành tích và lắm lúc còn thiếu trung thực. Và rồi, đâu lại vào đấy, vẫn chỉ là nền giáo dục mang kiểu “rất Việt Nam”. Tôi nhận thấy học sinh, sinh viên tại Việt Nam ngày càng đạt danh hiệu tiên tiến rất nhiều. Sau mỗi lần lễ tổng kết năm học thấy hầu hết trên tay các em đều có giấy khen! Phải chăng học sinh Việt Nam đang ngày càng thực sự tiến bộ về tri thức? Nếu thực vậy thì hẳn là đất nước ta phải ngày càng văn minh hơn, nhân bản hơn về lối sống và cách ửng xử mới đúng. Đàng này, Việt Nam vẫn luôn bị liệt vào tốp đầu về tệ nạn xã hội: giết người, cướp của, mại dâm, ma túy, nạo phá thai… mà hầu hết lại rơi vào tầng lớp học sinh, sinh viên. Nói như thế không có nghĩa là tôi hoàn toàn phủ nhận những nỗ lực và những đóng góp tích cực của nền giáo dục Việt Nam, nhưng sự thực thì vẫn còn nhiều lắm các lễ khai giảng mang hình thức “sáo rỗng” đánh mất niềm tin của các bậc phụ huynh vào nền giáo dục của nước nhà. Còn ngày khai giảng tại trung tâm học vấn Đa Minh mà tôi được tham dự hôm nay hoàn toàn khác với các lễ khai giảng tại các trường phổ thông bên ngoài: không sáo rỗng, không lòe loẹt bởi băng rôn cờ hiệu mà tất cả chỉ có một “màu tu” mà thôi, nó không rộn ràng bởi tiếng kèn tiếng trống mà là du dương và êm đềm bởi tiếng thánh ca… nó không chỉ là lễ khai giảng mà là thánh lễ khai giảng. Mọi thành phần tham dự thánh lễ khai giảng từ quý linh mục, quý giảng sư cho đến các anh em sinh viên, tất cả đều hiệp nhất trong Đức Kitô, lấy Đức Kitô làm tâm điểm, làm mục tiêu để vươn tới. Qua Ngài, mọi thành phần cùng nhau khám phá, chia sẻ, giúp nhau nhìn ra những yếu kém, giúp nhau vạch ra kế hoạch cho năm học mới, giúp ra nhìn ra mục đích của việc học tập, nhận ra những khó khăn trên đường học vấn… và rồi đúc kết tất cả cùng nhau dâng lên cho Ngài – vị giảng sư lỗi lạc, vị giảng sư trên hết mọi giảng sư. Tất cả cùng nhau đặt niềm tin tưởng vào Ngài, lệ thuộc vào Ngài và nhờ Ngài cùng nhau thăng tiến trên con đường tìm kiếm sự khôn ngoan đích thực đến từ Thiên Chúa. Đây quả thực là một Thánh lễ khai giảng ý nghĩa đối với tôi.
Nội dung bài Tin mừng của thánh lễ khai giảng hôm nay nói về chuyên các Tông đồ của Chúa bứt lúa ăn nhằm thỏa mãn cơn đói. Và từ nội dung ấy cha giảng lễ đã chia sẻ: “Chúa đã ban cho anh em cả cánh đồng tri thức, và Ngài cũng ban cho anh em cả cánh đồng phương tiện. Vậy, cũng như các Tông đồ xưa đã vò nát lúa trong tay để thỏa mãn cơn đói, anh em cũng hãy cố gắng vò nát từng trang sách với đầy đủ ý thức để thỏa mãn cơn đói tri thức của mình”. Cha giảng lễ còn nhắc lại lời của một vị phụ huynh khác trong bài viết nhân ngày khai trường năm nay: “chúng tôi ước mong sao con cái của chúng tôi không phải đi du học.” Tức là vị phụ huynh ấy ước mong sao nền giáo dục của Việt Nam cũng tiến bộ như nền giáo dục của các nước ngoài để con cái của họ không cần phải đi học đâu xa. Qua đó, cha giảng lễ nhắc cho các sinh viên tại trung tâm học vấn biết rằng: trung tâm học vấn Đa Minh có đội ngũ giáo sư dày kinh nghiệm, đã từng sống và học tập ở nước ngoài, nay về giảng dạy tại Việt Nam. Vì thế, nếu anh em thực sự cố gắng, thực sự chú tâm vào việc học, nếu anh em cố gắng “vò nát” từng trang sách với đầy đủ ý thức, chịu khó, chịu khổ, thậm chí là chịu nhục nhã như Thánh Phaolô (x. 1Cr 4, 6b-15) thì anh em cũng chẳng cần phải đi đâu xa, ngay tại trung tâm học vấn này anh em cũng có thể thỏa mãn cơn khát tri thức của mình. Chính những lời chia sẻ này của cha giảng lễ đã đánh thức nhận thức của tôi của về việc học tập của chính mình. Tôi không muốn nhắc lại quá trình học tập của tôi trong quá khứ bởi nó chỉ mang tính khơi khơi (chơi nhiều hơn học), và tôi cũng không muốn nhắc lại điểm số của tôi sau hai lần thi trước vào trung tâm học vấn Đa Minh, chỉ biết là với điểm số của hai lần thi đó thì tôi chưa đủ tư cách để bước qua “cửa giữ xe” của trung tâm học vấn. Mãi đến lần thi thứ ba tôi mới chính thức trở thành một sinh viên của trung tâm. Nếu trong quá trình học trong quá khứ tôi biết nhận thức sâu sắc về việc học như chính lúc lời giảng lễ của cha phụ tá bề trên tỉnh dòng Đa Minh đánh thức tôi thì có lẽ kết quả học tập của tôi trước đây sẽ khá hơn, và có lẽ tôi cũng không phải vất vả đến lần thi thứ ba mới trở thành sinh viên của trung tâm học vấn. Và cũng nhờ tham dự thánh lễ khai giảng ý nghĩa hôm nay, nhờ những lời chia sẻ của cha giảng lễ, nhờ được gặp gỡ và được nhận thấy một tinh thần phấn khởi, hào hứng học tập nơi tất cả anh em sinh viên tại trung tâm học vấn mà đã hình thành trong tôi một quyết tâm, một ý chí, một dự định và một niềm vui mới cho năm học mới này tại trung tâm. Chẳng biết rồi đây trong tương lai tôi có làm được như những gì đã được đánh thức hay không nhưng ít ra thì tôi cũng đã có được một nhận thức mới về việc học tập.
Đây quả thực là một thánh lễ khai giảng đầy ý nghĩa mà bây giờ tôi mới được tham dự.
Giuse Nguyễn Văn Chính, Thỉnh sinh M.S.A.