Mùng 3 Tết, Thánh Hóa công việc


Ngày mùng 3 Tết, theo truyền thống tốt lành của Giáo Hội, vẫn là ngày xin ơn thánh hoá công việc làm ăn. Cha ông ta đã dạy:“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Tác giả Thánh Vịnh cũng đã nói tương tự: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”. Càng sống thêm ở đời, chúng ta càng thấy thấm thía thế nào là sự hư vô của cuộc đời, thế nào là sự hư không của những kế hoạch do con người đặt ra, và càng thấy được sự lệ thuộc hoàn toàn của con người vào Thiên Chúa. Thế nên, Thánh lễ ngày hôm nay được kể là Thánh lễ đặc biệt, Thánh lễ xin ơn thánh hoá cho công ăn việc làm của chúng ta trong suốt một năm.Vậy ơn thánh hoá công việc, cụ thể ở đây là những ơn nào? Câu trả lời không khó. Ơn thánh hoá cụ thể tuỳ theo ngành nghề của mình.

Đối với những người làm nghề nhà giáo, xin ơn thánh hoá công việc của mình để biết nêu cao cái tâm trong sáng của mình.Cho dẫu đồng lương khiêm tốn, cuộc sống khó khăn, họ vẫn không để cho cái tâm của mình bị hoen ố trong mắt các em học trò chỉ vì tiền bạc.

Đối với những người làm nghề bác sĩ, thầy thuốc, xin ơn thánh hoá công việc của mình để biết tận tâm hành nghề cứu người giúp đời. Cho dẫu cuộc sống khó khăn vì đồng lương không tương xứng, áp lực công việc lại nặng nề, họ vẫn luôn nêu cao y đức, và không đánh mất cái mỹ danh của mình: “Lương y như từ mẫu – Thầy thuốc như mẹ hiền”.

Đối với những người thuộcgiới chủ nhân, xin ơn thánh hoá công việc để biết vượt qua những giai đoạn khó khăn do nền kinh tế suy thoái, nhất là luôn biết yêu thương nhân công và những cộng sự viên của mình và biết nghĩ đến quyền lợi của họ, thay vì chỉ nghĩ đến quyền lợi của chính mình. Vì nhờ có họ mà công ty, xí nghiệp của mình làm ra được sản phẩm hàng hoá và thu được lợi nhuận.

Đối với những người làm công ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, xin ơn thánh hoá công việc để có thể chấp nhận được những khó nhọc của nghề nghiệp, và tồn tại được trong điều kiện sống vốn thiếu thốn chật vật tư bề.

Đối với những người làm nghề kinh doanh buôn bán, xin ơn thánh hoá công việc của mình để biết nêu cao đạo đức kinh doanh buôn bán. Không vì lợi nhuận mà bán rẻ lương tâm như sản xuất buôn bán hàng nhái hàng giả, hàng độc hại. Không vì đồng tiền mà bất chấp đạo lý: buôn gian bán dối, kinh doanh chụp giật, ăn lời cắt cổ…

Đối với những người làm nhân viên dịch vụ ở các shop, các nhà hàng, resort, xin ơn thánh hoá công việc của mình là để biết sống tinh thần phục vụ, coi khách hàng là thượng đế đúng nghĩa, tức là hiện thân của Chúa. Cho dẫu rằng đồng lương nhận được còn bèo bọt, nhưng mình vẫn làm việc vui vẻ vì được làm việc, được phục vụ Chúa qua các khách hàng của mình.

Đối với những người làm nhân viên công chức nhà nước, xin ơn thánh hoá công việc của mình để biết nỗ lực phục vụ công ích, vì dân vì nước, vì sự an sinh của xã hội. Không vì chức quyền mà bán rẻ lương tâm, không vì lợi lộc thấp hèn mà tiêu cực tham ô nhũng lạm.

Đối với những người làm thợ, xin ơn thánh hoá công việc của mình để luôn biết ý thức rằng, cho dẫu phải vất vả vì công việc nặng nhọc, nhưng vẫn vui tươi nhiệt thành vì được góp phần làm đẹp cho đời.

Đối với các em sinh viên học sinh, xin ơn thánh hoá công việc học hành của mình để biết chuyên chăm học tập, học tập vì tương lai của mình chứ không phải vì ai khác. Xin ơn thánh hoá công việc học hành của mình còn là để biết tránh xa những tiêu cực gian dối bất công trong học hành, thi cử…

Đối với những người làm nông, một nắng hai sương, xin ơn thánh hoá công việc của mình để biết tạ ơn Chúa vì dẫu phải vất vả nhọc nhằn, phải “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất”,nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúcvì được góp phần làm nên của cải vật chất cho xã hội.

Và đặc biệt đối với những người làm nghề biển, nghề đánh bắt hải sản, trong đó có một số anh chị giáo dân trong giáo xứ chúng ta đây, xin ơn thánh hoá công việc của mình để biết ý thức việc khai thác đánh bắt nguồn hải sản sao cho phù hợp với thánh ý Chúa.

Có người bảo rằng không đánh bắt những loài tôm cá nhỏ thì lấy gì mà ăn, lấy gì mà bán, rồi đói thì sao…Lập luận như thế xem ra có vẻ hợp lý, nhưng xét cho cùng thì lại không có lý tí nào.

Đánh bắt kiểu tận diệt là đi ngược lại với quy luật của thiên nhiên, tức là nghịch với thánh ý Chúa đồng thời cũng thể hiện sự vô tâm của mình đối với con cháu chúng ta. Nhiều loài hải sản bị tuyệt chủng, vì sao? Vì sao tháng này tôi cứ đi không về rồi, lỗ dầu, lỗ phí tổn? Đơn giản vì tháng trước bao nhiêu cá tôm, cua ghẹ nhỏ…, tôi cào, tôi bắt hết rồi. Làm sao chúng sinh sản cho kịp? Năm sau biển giả làm ăn bết bát hơn năm trước là vì vậy!

Ngược lại, tháng này tôi quyết chí không nhẫn tâm đánh bắt những loài tôm cua cá ghẹ vì chúng con quá nhỏ, có thể tôi sẽ thu nhập ít hơn một tí, đói hơn một tí; nhưng những tháng sau tôi sẽ no, tôi sẽ có thu nhập cao hơn.

Không cần phải nói đâu xa, hãy học theo cách đánh bắt của người dân Âu Mỹ. Họ rất có ý thức về việc bảo vệ môi trường sống. Họ thể hiện nét văn minh vượt trội trong cách đối xử với thiên nhiên và vạn vật. Con cá nào nhỏ, họ không đánh bắt, và nếu lỡ bắt được, họ thả ngay. Mùa tôm cá sinh sản, tuyệt đối họ không đánh bắt. Đây có thể coi như làmột thứ “mùa sabát”mà họ triệt để tuân thủ trong việc khai thác nguồn thuỷ hải sản. Còn người Việt Nam mình thì khỏi nói! Đánh bắt không kể loài nào, to hay nhỏ bắt hết; khai thác bất kể mùa nào, mùa tôm cá sinh sản càng đánh bắt bạo. “Người ta đánh bắt, dại gì mình không đánh bắt,uổng”…Cứ với lối lý luận như thế, thành ra cả một đất nước khai thác ẩu, đánh bắt bừa, tận thu vô tội vạ, vô trách nhiêm đối với thiên nhiên và với hậu thế. Nguồn hải sản không cạn kiệt mới lạ! Con cháu làm ăn không ra mới lạ!

Tin tưởng vào Chúa quan phòng thì cũng phải biết khai thác nguồn tài nguyên Chúa ban cho phù hợp với thánh ý Chúa nữa, tức là ý thức sứ mạng làm chủ mà Chúa trao cho mình.

Xin cho chúng ta biết thấm nhuần tinh thần Kitô giáo trong việc làm chủ trái đất.Xin Chúa cũng ban ơn thánh hoá, để công ăn việc làm của chúng ta trong năm mới này nêu cao ý thức trách nhiệm với bản thân, với tha nhân và với vạn vật; đồng thời biết thể hiện tình tương thân tương ái, hầu góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo và cứu độ của Chúa, như lời nguyện đầu lễ hôm nay mà chúng ta vừa dâng lên Người. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long