Dù là người bên lương, theo phong tục người Việt xưa, gọi là đạo ông bà, nhưng người Việt Nam không theo một tôn giáo nào, họ vẫn có tập tục thờ cúng ông bà. Vì vậy, người bên lương, họ chỉ biết có việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nhưng dù không có niềm tin tôn giáo, họ vẫn tin có “Trời”, “Thiên “. Suy cho cùng, họ vẫn biết “Thiên “ là Trời, phải là Đấng đứng trên tổ tiên của họ.
Như vậy, người bên lương, họ chỉ biết có “Ông Trời” một cách chung chung.
Vậy, người Công Giáo thì sao? Thưa, người Công Giáo phải biết có “Ông Trời” một cách cụ thể. Ông Trời đó là ai? Thưa, đó là Thiên Chúa. Như vậy, khi con người chưa nhận biết Thiên Chúa, thì họ chỉ thờ kính Tổ Tiên, ông bà, cha mẹ thì thật là hợp lý.
Nhưng “Ông Trời” tức Thiên Chúa của người Công Giáo, thì ban cho con người “Mười Điều Dạy Dỗ”, tức Mười Điều Răn. Nhưng điều răn đứng đầu dành cho con người chính là “Điều Răn Thứ Tư” : THẢO KÍNH CHA MẸ.
Theo đó, việc thảo kính cha mẹ của người Công Giáo thật là có cơ sở, trên cả sự hợp lý nữa. Vì bổn phận Thào Kính Cha Mẹ của người Công Giáo là do Thiên Chúa truyền dạy. Đến đây chúng ta thấy, Đạo Công Gíao là Đạo biết kính nhớ và thảo kính với tổ tiên, ông bà. Mặc nhiên, việc thảo kính đó phải hơn những người chưa nhận biết Thiên Chúa. Nhưng, thực tế điều ấy chưa được hoàn hảo. Điều ấy do bởi đâu? Chắc chắn, còn do bởi chính người thực thi.
Nhân ngày mồng 2 tết Giáp Ngọ 2014, năm thứ nhất trong công cuộc loan báo Tin Mừng bời chương trình Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình của Giáo Hội. Có nghĩa là làm cho Tin Mừng bén rễ sâu vào gia đình công giáo, làm mới lại việc Thánh Hóa gia đình bằng Phúc Âm.
Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì đã soi sáng cho Giáo Hội loan báo một hành động rất thiết thực cho con cái mình, hầu làm tăng năng lực siêu nhiên bền vững trong ân sũng của Thiên Chúa. Việc kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ là một nghĩa cử chính đáng của người Công Giáo, vâng theo Lời Chúa trong mười điều răn của Đức Chúa Trời. Như vậy, Thiên Chúa đã truyền ban cho nhân loại một sứ điệp để kính nhớ Tiền Nhân, là sứ điệp đầu tiên, đứng sau việc Tồn Thờ Thiên Chúa. Đó là Điều Răn thứ bốn. THẢO KÍNH CHA MẸ.
Với ánh sáng của Lời Chúa, niềm tin của chúng ta và sự hướng dẫn đầy tình thương của Giáo Hội, chúng ta kính nhớ Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ trong ngày mùng 2 tết. không những trong ngày mùng 2 tết, mà còn từng ngày trong năm trong mỗi Thánh Lễ, là một hành động tốt đẹp, mà từ đời này qua đời khác thật là hữu ích và thiêng liêng. Sự gắn liền và tiếp nối như thế làm cho chúng ta luôn có sự hiệp thông gần gũi và như thế, như thế…
Như vậy, Thiên Chúa không cấm chúng ta kính nhớ tổ tiên, thì mặc nhiên Đạo Công giáo không phải là Đạo bỏ ông, bỏ bà như người ta nghĩ. Nhưng trên hết, mọi sự đó là lòng tri ân. Tri ân Thiên Chúa, tri ân Tổ Tiên, tri ân mọi người là bổn phận và trách nhiệm của người Công giáo. Vì Thiên Chúa đã đến cho con người và vì con người.
Trở về đoạn Tin Mừng hôm nay ( Mc 4, 35-41), chúng ta sợ nguy hiểm sóng gió nghĩa đen và nghĩa bóng. Đó là sự tự nhiên của con người, nhưng nếu chúng ta không có Thiên Chúa và đón nhận Ngài, thì sóng gió cuộc đời sẽ vùi lấp chúng ta. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy một trong Ba Phép lạ lớn là : Chúa Giêsu đã ngăm đe sóng gió ( Mc 4, 39), tức thì sóng gió tuân lệnh Người. Như vậy, khi cuộc đời chúng ta gặp sóng gió, chúng ta phải kêu cầu Thiên Chúa, để Thiên Chúa sẽ ngăm đe sóng gió cuộc đời cho chúng ta.
Tổ tiên của chúng ta là những phàm nhân, nhưng các ngài đã vượt qua sóng gió cuộc đời, các ngài đã có kinh nghiệm sống Lời Chúa, nên chi, các ngài sẽ bầu cử cho con cháu vượt qua sóng gió cuộc đời để đến bến bờ yêu thương của Thiên Chúa. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã quở trách các môn đệ : “Sao nhát thế ? “ Làm sao mà anh em chưa có lòng tin” ( c 40). Như vậy, khi sóng gió tâm hồn của chúng ta nổi lên, chúng ta có biết chạy đến với Chúa Giêsu?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương nhân thế và đã đến cùng nhân thế, để nhân thế được sự che chở của Người, vì Lời của Chúa là Lời Hằng Sống, Lời mà có giá trị cho mọi tạo vật. Chúa chỉ cần lên tiếng, thì mọi tạo vật phải vâng lời. Xin cho chúng con biết tuyên xưng Chúa trước mọi biến cố của sóng gió cuộc đời chúng con, để khi người ta hỏi: “Ông này là ai, mà ngay cả sóng gió cũng phải nghe theo?” ( Mc 4, 41). Thì chúng con sẽ trả lời : Đó là Đức Giêsu – Nazaret. Amen
01/02/2014 (mùng 02 tết Giáp Ngọ)
P. Trần Đình Phan Tiến