Thế giới học được gì từ hai thế chiến?
Roma (Vat. 12-09-2014) – Sáng thứ bẩy 13 tháng 9 năm 2014 Ðức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong tại Redipuglia và cử hành thánh lễ tại nghĩa trang các tử sĩ nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Ðệ Nhất Thế Chiến bùng nổ.
Redipuglia là nghĩa trang quân đội lớn nhất tại Italia với mộ của hơn 100 ngàn tử sĩ của Thế chiến thứ nhất, trong đó có 30 ngàn chiến sĩ vô danh. Nghĩa trang này chỉ cách biên giới nước Slovenia vài cây số, và được khánh thành ngày 13 tháng 9 năm 1938. Sau khi viếng thăm nghĩa trang Áo-Hung, đặt vòng hoa trước đài tưởng niệm, vào lúc 10 giờ Ðức Thánh Cha chủ sự thánh lễ đồng tế tại đài tưởng niệm với các vị Giám Mục đặc trách các giáo hạt quân đội Italia và các nước cùng nhiều Giám Mục khác. Cuối thánh lễ Ðức Thánh Cha đọc kinh cầu cho các binh sĩ tử trận và các nạn nhân chiến tranh. Ngài cũng trao cho mỗi Giám Mục hiện diện một ngọn đèn để thắp sáng trong các lễ tưởng niệm Ðệ Nhất Thế Chiến tại các giáo phận liên hệ.
Ðệ Nhất Thế Chiến đã bùng nổ ngày 28 tháng 7 năm 1914, và chấm dứt ngày 11 tháng 11 năm 1918. Các cuộc đụng độ diễn ra tai Âu châu, Trung Ðông, nhiều đảo Thái Bình Dương, Ðại Tây Dương và Ấn Ðộ, theo các phản ứng liên minh dây chuyền giữa các nước. Ðã có hơn 70 triệu người bị động viên, trong số này có 60 triệu tại các nước Âu châu, và hơn 9 triệu binh sĩ ngã gục tại chiến trường, không kể khoảng 7 triệu thường dân bị thiệt mạng.
Mặt khác trong các ngày 31 tháng 8 đến mùng 2 tháng 9 năm 2014, các Giám Mục Ðức và Ba Lan đã cùng cử hành các lễ nghi tưởng niệm 75 năm Ðệ Nhị Thế Chiến bùng nổ.
Thế Chiến Thứ II bắt đầu ngày mùng 1 tháng 9 năm 1939, khi quân đội Ðức Quốc Xã tấn công Ba Lan, và chiến tranh đã kéo dài 6 năm khiến cho 62 triệu người chết, trong đó có 25 triệu binh sĩ: 17 triệu người thuộc khối đồng minh và 8 triệu người thuộc khối Trục gồm Ðức, Ý và Nhật Bản. Khối đồng minh có 33 triệu thường dân bị chết, trong khi khối Trục có 4 triệu thường dân thiệt mạng.
Hai thế chiến đã khiến cho gần 80 triệu người chết, hàng chục triệu người khác bị thương hay tàn phế, và bao nhiêu triệu người phải sống trong cảnh nghèo túng, đói khát, bệnh tật, khốn khổ, vì các quốc gia lâm chiến đã dốc đổ tài lực và sát tế nhân lực cho thần chiến tranh và tàn phá. Hàng trăm thành phố làng mạc đã bị bỏ bom bình địa, tan hoang. Biết bao nhiêu hy sinh, mồ hôi, máu và nước mắt của hàng bao thế kỷ xây dựng, vun trồng, với bom đạn của chiến tranh chỉ trong chớp nhoáng đã biến thành tro bụi. Nam giới bị động viên, đất đai bị bỏ hoang không người canh tác, phụ nữ và trẻ em phải nai lưng làm việc trong các hãng chế tạo khí giới hay canh tác cầm chừng không đủ thực phẩm cung cấp cho gia đình. Toàn dân phải thắt lưng buộc bụng hy sinh cho chiến tranh.
Nhìn vào lịch sử nhận loại người ta thấy đã không có thế kỷ nào nhiều chiến tranh và xung khắc như thế kỷ 20 với hơn 180 cuộc chiến lớn nhỏ, trong đó hàng chục chiến cuộc vẫn còn tiếp diễn trong thế kỷ 21 hiện nay. Từ vài tháng qua với sự kiện các lực lượng hồi cuồng tín thành lập Nhà Nước Hồi bên Siria và Irak cũng như bên Nigeria, thi hành chiến sách diệt chủng tôn giáo và bộ tộc với các cuộc tàn sát tập thể dã man, xử bắn hàng ngàn binh sĩ, chặt đầu cắt cổ cả trẻ thơ, tước đoạt nhá cửa, ruộng vườn và tài sản của các kitô hữu vá các nhóm hồi thiểu số, và đuổi họ ra đi với hai bàn tay trắng. Các lực lượng ISIS ước mơ tài lập đế quốc Ottoman đã bị hủy bỏ năm 1920, để tiến tới chỗ hồi giáo hóa và thống trị toàn thế giới. Các đe dọa và khiêu khích của Nhà nước Hồi đã khiến cho Hoa Kỳ, Anh, Pháp Ðức, Ba Lan, Italia và các quốc gia Arập Bắc Phi thành lập liên minh chống các lực lượng ISIS.
Bên cạnh đó lại còn thêm cuộc khủng hoảng tại Ucraina với chiến tranh ly khai và cuộc xâm lăng của quân đội Nga tại Crimea. Tuy Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu châu đã đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế, nhưng xem ra nước Nga không nao núng, vì biết rằng chính quyền của tổng thống Barack Obama không ở trong thế mạnh do nhiều vấn đề khác nhau, và các quốc gia trong Liên Hiệp Âu châu vẫn còn kiệt quệ, chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chành trầm trọng kéo dài từ năm 2008 tới nay. Khi xua quân xâm lăng Ucraina ông Vladimir Putin cũng đã tính toán các nước cờ nhằm thực hiện giấc mộng tái lập đế quốc "Nga vĩ đại". và giành lại vai trò lãnh đạo đã mất trên bàn cờ chính trị thế giới, sau khi đế quốc cộng sản Liên Xô sụp đổ. Và Ucraina, quốc gia thành viên cựu khối Varsava, là con cờ thăm dò đầu tiên. Tổng thống Putin qúa biết các nước trong Liên Hiệp Âu châu rất cần dầu hỏa và khí đốt của Nga, đặc biệt mỗi khi mùa đông tới, nên việc sáp nhập Crimea vào Nga sẽ mở màn cho chiến dịch tái chiếm các vùng có người Nga sinh sống trong các nước vùng Baltic. Và để thoát vòng kiềm tỏa kinh tế của Hoa Kỳ và các nước khối G7, hồi hạ tuần tháng 5 năm 2014 trong chuyến ông Putin viếng thăm Thượng Hải Nga và Trung Quốc đã ký hợp đồng thương mại lên tới 400 tỷ mỹ kim. Bắt đầu từ năm 2018 Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc mỗi năm 38 tỷ mết khối khí đốt trong vòng 30 năm. Số lượng đầu hỏa và khí đốt này sẽ được chuyển tới miền Ðông Trung Quốc do một ống dẫn dài 2,200 cậy số. Ðo đó Nga không sợ các trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và các nước G7. Sau bài diễn văn của tổng thống Back Obama hôm thứ tư 10 tháng 9 năm 2014, tuyền bố thành lập và điều khiển liên minh chống Nhà nước Hồi, và có thể bỏ bom bất cứ nơi đâu có các lực lượng này kể cả Siria, tổng thống Putin phản đối và chỉ trích Hoa Kỳ hành động trái với luật lệ quốc tế.
Liệu các căng thẳng giữa các cường quốc liên quan tới Ucraina và tình hình nóng bỏng tại Trung Ðông có đột ngột gia tăng và châm ngòi cho một Ðệ Tam Thế Chiến hay không, không ai biết được. Nhưng thực ra Thế Chiến thứ ba đã bắt đầu, từng mảng một, và rất có thể đưa tới việc sử dụng các vũ khí nguyên tử. Nếu xảy ra như vậy, thì gia đình nhân loại vẫn phải tiếp tục sống dưới quyền điều khiển của thiểu số lãnh đạo có đầu óc điên loạn, khát khao quyền lực, mê say danh vọng vô độ. Và như vậy thế giới đã không học được gì từ hai thế chiến trong thế kỷ 20.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)