Iraq ngày 23 tháng 08, 2014
Quí vị thân mến,
Chúng tôi xin chia sẻ với quí vị trăn trở hằng ngày của chúng tôi, hy vọng tiếng kêu than của chúng tôi sẽ vang đến toàn thế giới. Chúng tôi giống như người mù ở Jericho (Maccô 10: 46-52), chẳng biết dựa vào đâu để người ta biết đến ngoại trừ tiếng kêu than của mình, xin Chúa Giêsu thương xót. Mặc dù có những người tảng lờ tiếng kêu than của anh, nhưng cũng có những người lắng nghe và giúp anh. Chúng tôi cậy nhờ vào những người lắng nghe.
Chúng tôi đã bước vào tuần thứ ba sau khi bị đuổi khỏi nhà của mình. Việc cung cấp chỗ ở, lương thực và những nhu cầu cần thiết thật là chậm chạp. Hiện vẫn có nhiều người phải ngủ bên lề đường. Vẫn chưa có lều trại nào được dựng lên bên cạnh trường học để làm nơi lánh nạn cho chúng tôi. Một ngôi nhà ba tầng chưa xây xong đã được sử dụng làm chỗ tạm lánh. Những chỗ này giống như các chuồng nuôi gia súc. Mọi người chúng tôi đểu tự hỏi, khi nào cảnh này mới chấm dứt đây? Chúng tôi ghi ơn mọi nỗ lực đã dành ra để trợ giúp những người vừa bị lưu vong. Tuy nhiên, xin nhớ rằng cung cấp lương thực và nơi ở chưa hẳn là những gì cần thiết nhất đối với chúng tôi. Tình trạng của chúng tôi còn thê thảm hơn nhiều. Chúng tôi là hai nhóm người tiểu số (Kitô hữu và người Yazidis), đã mất đất đai, nhà cửa, tài sản, công việc, tiền bạc, một số đã thất lạc gia đình, người thân và tất cả chúng tôi đều bị bách hại vì đạo của mình.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo đang cố gắng hết sức để giải quyết khó khăn. Họ đã gặp gỡ các chính khách, tổng thống Iraq và tổng thống Kurd, nhưng những ý định và hành động của những nhà lãnh đạo chính trị này rất chậm chạp và ít ỏi. Thực ra, mọi cuộc gặp gỡ chính trị đều chẳng đi tới đâu. Cho đến bây giờ, vẫn chưa có quyết định nào được thực hiện về tình trạng hiện thời của những người tiểu số bị lưu vong. Chính vì thế, lòng tin vào các nhà lãnh đạo chính trị, nếu có, thì đã bị giảm thiểu rất nhiều. Nạn nhân không thể chịu đựng cảnh này được nữa. Gánh nặng này đã quá sức họ rồi! Hôm qua, một thanh niên đã nói anh thà chết với nhân phẩm hơn là sống trong tình trạng này. Mọi người đều cảm thấy nhân phẩm đã bị tước mất khỏi họ. Chúng tôi đang bị bách hại vì đạo của mình; chẳng ai trong chúng tôi đã từng nghĩ mình sẽ phải sống trong các trại tị nạn vì lý do tôn giáo cả.
Thật khó tin chuyện này còn xẩy ra trong thế kỷ 21. Chúng tôi tự hỏi chuyện gì thực sự đang xẩy ra. Phải chăng là một kế hoạch khác hay một thoả thuận để phân chia nước Iraq? Nếu điều này là thật thì chia như thế nào và khi nào việc ấy diễn ra? Tại sao những biến cố phân chia Trung Đông diễn ra năm 1916 bây giờ lại tái diễn ở đây? Lúc đó là do vấn đề chính trị và người dân vộ tội đã phải trả giá. Lúc này, rõ ràng có những người quỷ quyệt và tội lỗi đang chia xé nước Iraq. Năm 1916, Hội dòng chúng tôi đã mất 7 nữ tu, nhiều Kitô hữu đã thiệt mạng và nhiều người khác bị sơ tán đi khắp nơi. Phải chăng hoàn cảnh đã tạo nên sự chia rẽ này hay do con người cố tình tạo ra?
Tuy nhiên, khó khăn không chỉ có tại trại tị nạn, với người lưu vong. Những gì xẩy ra trong các thôn làng Kitô giáo nơi mọi người đã sơ tán còn tệ hại hơn. Đêm ngày 6 tháng 8, 2014, nhóm Hồi giáo Quốc (IS) đã dùng vũ lực đuổi những ai không chịu rời bỏ làng mạc của mình. Ngày hôm qua (22/8/2014), 72 người bị đuổi ra khỏi Karakosh. Tuy nhiên, không phải cả 72 người đều đến được trại tị nạn! Những người đến được thì trong tình trạng thật thảm hại. Họ phải đi bộ qua sông Al-Khazi (một nhánh của Great Zab) vì chiếc cầu đã bị phá huỷ. Hiện vẫn còn một số ít người ở lại bên kia bờ sông; chúng tôi không biết khi nào họ mới đến được Erbil. Còn lệ thuộc vào tình trạng và thương thảo giữa chiến binh Peshmerga (người Kurds) và nhóm Hồi giáo quốc. Một số người đã đi để giúp dìu những người gia nua và yếu đuối không thể đi bộ được. Một nữ tu của chúng tôi đã đi và cứu được cha mẹ mình. Một phụ nữ kể đã bị lạc chồng và các con và bà không biết hiện họ ở đâu! Có thể họ còn trong nhóm những người bị kẹt lại bên kia bờ sông, cũng có thể họ đã bị nhóm Hồi giáo quốc bắt giữ! Một bà mẹ trẻ mà bé gái ba tuổi của bà đã bị cướp đi ngay trong lòng bà! Cho đến giờ bà vẫn không có tin gì về cháu bé! Chúng tôi không biết tại sao nhóm Hồi giáo quốc lại đuổi mọi người ra khỏi Karakosh, chúng tôi chỉ nghe từ những người mới đến trại là nhóm này đã chuyển đến Karakosh những thùng phi chứa đựng gì thì không ai rõ.
Thêm vào đó, chúng tôi biết có 4 gia đình Kitô giáo đang bị kẹt lại ở núi Sinjar hơn 3 tuần rồi; có lẽ hiện giờ họ đã hết lương thực và nước. Nếu không được cứu trợ, họ sẽ chết hết. Cho đến lúc này vẫn chưa liên lạc được với họ và cũng không có cách nào điều đình với nhóm Hồi giáo quốc cả.
Riêng về Hội dòng, chúng tôi biết tu viện ở Tel Kaif hiện đang bị nhóm Hồi giáo quốc dùng làm trụ sở. Họ cũng đã chiếm tu viện ở Karakosh. Những người mới đến trại cho hay các ảnh tượng thánh đều bị phá huỷ. Thánh giá bị gỡ khỏi nóc các nhà thờ và bị thay thế bằng cờ Hồi giáo quốc. Ở Baqofa, một nữ tu nghe nói tình hình đã êm dịu nên đã cùng với một số người trở về tu viện để lấy thuốc. Sơ thấy tu viện đã bị lục soát, mọi nơi đều bị mở toang và đồ đạc bị thảy loạn xạ trong các phòng. Vừa vào tu viện thì có 3 quả bom dội vào thành phố; lập tức họ phải rời nơi ấy.
Ngoài những gì xẩy đến cho các Kitô hữu, hôm qua (Thứ Sáu 22/8) một người Shiite đeo mìn tự sát và một tay súng đã tấn công vào một nguyện đường người Sunni ở Abou Mussab, một làng do chính quyền Iraq kiểm soát ở tỉnh Diyala, làm cho 68 người tử vong. Thật quá thương tâm khi nghe người đang cầu nguyện bị sát hại. Về phương diện báo chí và truyền thông, vụ thảm sát này bị chìm lắng so với những gì đang xẩy đến cho các Kitô hữu ở đồng bằng Nineveh. Chúng tôi e rằng thảm cảnh của chúng tôi sẽ trở thành những gì là của riêng mình và sẽ chẳng có bất cứ tiếng nói hay ảnh hưởng gì trên thế giới hết!
Sau cùng, chúng tôi phải nhận rằng, các nạn nhân đều mất dần kiên nhẫn. Họ mất đi mọi cái vốn có nơi làng mạc của mình: nhà thờ, tiếng chuông nhà thờ, đường xá, chòm xóm… Lòng họ quặn lại khi nghe biết nhà cửa đã bị cướp phá. Mặc dù họ yêu quí làng mạc của họ, nhưng hầu hết đều đang có ý định sẽ rời bỏ xứ sở để họ có thể sống đúng với nhân phẩm và có tương lai cho con cháu hơn. Thật khó hy vọng vào Iraq hoặc tin tưởng vào khối lãnh đạo của quốc gia.
Xin tiếp tục cầu nguyện cho chúng tôi.
Sister Maria Hanna, O.P.
Nữ tu Đaminh, Tỉnh Dòng Thánh Nữ Cataria thành Siena – Iraq.
Xin phổ biến lá thư này đến với người khác ngõ hầu thế giới nghe được tiếng kêu than của những người nghèo và những người vô tội.